Cần nâng cao chất lượng đài truyền thanh cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng trong việc cung cấp thông tin cho nhân dân các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Dù vậy, trong quá trình hoạt động, các đài truyền thanh cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tuyên truyền hiệu quả

Hệ thống truyền thanh cấp cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho nhân dân và ngày càng có những bước phát triển nhất định. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, từ năm 2011 đến 2015, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu tư 29 hệ thống phát thanh FM với 260 cụm loa cho 29 xã trên địa bàn 9 huyện trong tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 141 đài truyền thanh cơ sở tại 141/222 xã, phường, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là huyện Chư Prông với 18 đài, huyện Chư Sê 14 đài, huyện Đak Đoa 13 đài... Khi được đầu tư hệ thống truyền thanh này, bên cạnh việc tiếp sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện thì đài truyền thanh cơ sở còn có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện tin, bài có nội dung liên quan đến đời sống kinh tế-chính trị-xã hội diễn ra trên địa bàn xã để thông tin kịp thời đến người dân.

 

Anh Trịnh Nhân Nghĩa-cán bộ văn hóa xã Trang (Đak Đoa) đang thu âm tin, bài cho giờ phát sóng trên đài truyền thanh cơ sở. Ảnh: P.L
Anh Trịnh Nhân Nghĩa-cán bộ văn hóa xã Trang (Đak Đoa) đang thu âm tin, bài cho giờ phát sóng trên đài truyền thanh cơ sở. Ảnh: P.L

Hiện nay, đa số các xã, phường, thị trấn đều phát huy tích cực vai trò của hệ thống đài truyền thanh, loa phóng thanh để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời các vấn đề thời sự, sự kiện chính trị nổi bật của đất nước, địa phương; vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất vụ mùa, phòng-chống thiên tai, chung sức xây dựng nông thôn mới... Các chương trình được đổi mới, phong phú, có chất lượng, thời lượng thông tin tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức, không gian và thời gian của nhân dân ở cơ sở, đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao kiến thức và cải thiện đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Ông Dơm-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) cho biết: “Đak Sơ Mei được đầu tư đài truyền thanh gồm 1 máy phát thanh FM, 10 cụm loa máy cho 10 thôn làng, xã còn hỗ trợ kinh phí kéo thêm 6 loa cho làng Đê Sơ Mei, Đê Gôh và thôn 17 bởi địa bàn rộng. Chúng tôi cũng thành lập tổ biên tập tin có nhiệm vụ tổng hợp, chỉnh sửa tin tức của các ban, đoàn thể gửi về để phát sóng cho bà con cùng nghe. Các tin, bài thường có nội dung tuyên truyền pháp luật, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tình hình sâu bệnh trên cây trồng, tuyên truyền theo chủ điểm…”-ông Dơm chia sẻ.

Là một thính giả thường xuyên theo dõi tin tức qua loa truyền thanh đặt tại làng mình vào mỗi buổi sáng sớm, ông Kring (làng Phạm Ghè, xã Trang, huyện Đak Đoa) vui vẻ nói: “Mình thường rất thích nghe phát thanh, đặc biệt là những tin tức nói về nơi mình sống bởi nó gần gũi và có ích”.

Khó khăn cần khắc phục

Đài truyền thanh của xã Trang (huyện Đak Đoa) được đặt trong phòng làm việc của cán bộ phụ trách văn hóa-thông tin xã. Anh Trịnh Nhân Nghĩa-cán bộ văn hóa xã Trang giới thiệu: “Hệ thống đài truyền thanh cơ sở của xã Trang được đầu tư vào tháng 9-2016 với tổng kinh phí 249 triệu đồng. Thông tin của xã trung bình được phát khoảng 2 giờ/tuần, trước khi tiếp sóng đài huyện, đài tỉnh 30 phút. Với những cụm loa đặt ở các thôn làng, bà con không chỉ được nghe thông tin chung của cả nước, của huyện mà còn nắm được tình hình nơi mình đang sống một cách kịp thời”. Tuy vậy, việc tự sản xuất tin, bài vẫn là một vấn đề khá nan giải đối với những người trực tiếp phụ trách đài truyền thanh cơ sở ở khắp các địa phương dù cho Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết tin, bài, cách thực hiện công tác tuyên truyền miệng, tổ chức sự kiện, vận hành đài truyền thanh… “Chúng tôi cũng có thực hiện chế độ chi trả nhuận bút 50.000 đồng/tin và 100.000 đồng/bài để khuyến khích các cán bộ từng ban, đoàn thể tham gia cộng tác viết tin, bài về địa phương để phát. Nhưng thực tế thì rất ít người tham gia bởi không thành thạo kỹ năng viết lách, tổ chức tin bài. Bản thân tôi là cán bộ văn hóa lại kiêm nhiệm thêm khâu phát thanh, quá nhiều việc nên không thể chu toàn hết được”-anh Nghĩa chia sẻ.

Ngoài ra, các cụm loa đặt ngoài trời tại các thôn làng cũng thường xuyên bị hư hỏng do thời tiết, phải sửa chữa nhiều lần khiến quá trình truyền thanh bị gián đoạn, tốn kém chi phí. “Các làng như Pral, Đê Sơ Mei, Bok Rei ban đầu khi mới đặt loa thường xuyên bị mất sóng do ở khá xa, bị lệch tần số, sau đó đã được khắc phục nên hoạt động ổn định hơn”-ông Dơm-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei cho hay. Ngoài ra, địa bàn quá rộng trong khi phạm vi phát sóng của máy phát thanh lại hạn chế, mỗi làng lại chỉ có 1 cụm loa nên khó để thông tin tuyên truyền được bao phủ rộng khắp. Như cụm loa đặt ở làng Phạm Ghè cách UBND xã Trang 6 km, lại đặt ở vùng lõm nên không thể bắt được sóng của đài truyền thanh cơ sở, phải tiếp sóng của Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện.

Trước những khó khăn mà hệ thống truyền thanh cơ sở đang gặp phải, chị H’Lưn-cán bộ nông nghiệp xã Đak Sơ Mei bày tỏ: “Mình mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện mở thêm các lớp tập huấn về kỹ năng tổ chức viết tin, bài một cách bài bản cho cán bộ cấp cơ sở; đồng thời thường xuyên kiểm tra, nâng cấp để hệ thống truyền thanh cơ sở được vận hành tốt hơn, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đưa thông tin đến gần hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm