Xã hội

Gia đình

Truyền thông và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)-sức khỏe sinh sản (SKSS) nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình dân số và phát triển.

Ban Chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với UBND huyện Chư Prông vừa phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ-SKSS đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Sau lễ phát động, các chị em trong độ tuổi sinh đẻ đã tập trung về trạm y tế để được tư vấn, chăm sóc SKSS. Chị Rơ Châm H’Huy (xã Ia Kly) cho biết: “Qua tư vấn của bác sĩ, tôi cũng như nhiều chị em trong làng biết về những căn bệnh thường gặp của phụ nữ. Tôi cũng biết thêm cách phòng tránh một số bệnh và chủ động áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp”.

Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho hay: Chư Prông là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện chiến dịch truyền thông đợt 1-2023. Sau lễ phát động diễn ra ngày 23-3, chiến dịch được triển khai đến 20 xã, thị trấn, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4. Đầu tháng 10, huyện tiếp tục triển khai chiến dịch đợt 2 tại những địa phương chưa đạt kế hoạch và kết thúc vào cuối tháng 11. “Với sự tăng cường của đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế huyện, chúng tôi triển khai các gói khám sức khỏe, tư vấn và thực hiện một số dịch vụ. Kết thúc đợt 1, huyện phấn đấu có trên 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin”-bà Nhàn nói.

Tiểu phẩm “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ” do cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Chư Prông thực hiện trong chiến dịch truyền thông KHHGĐ. Ảnh: Đinh Yến

Tiểu phẩm “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ” do cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Chư Prông thực hiện trong chiến dịch truyền thông KHHGĐ. Ảnh: Đinh Yến

Còn bà Phan Trần Hiền-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) thì thông tin: Năm nay, Trung tâm tổ chức 2 đợt chăm sóc SKSS-KHHGĐ miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thông qua chiến dịch, chị em được tư vấn kiến thức chăm sóc SKSS.

Theo ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, với sự chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch của các trung tâm y tế, sự quan tâm của các địa phương, năm nay, Gia Lai khởi động sớm chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ và duy trì các hoạt động về công tác dân số. “Việc triển khai sớm các hoạt động, đặc biệt là cung cấp các gói dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho người dân trong độ tuổi sinh đẻ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo”-ông Nhật khẳng định.

Trao đổi cùng P.V, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-nhấn mạnh: Kế hoạch hóa gia đình và SKSS là một trong những nội dung của công tác dân số và phát triển. Chính vì thế, việc triển khai chiến dịch hàng năm là để thực hiện tốt làm mẹ an toàn, chăm sóc sàng lọc trước sinh, khám thai định kỳ, mục đích theo dõi sức khỏe bà mẹ và quá trình phát triển thai nhi, phát hiện dị tật sơ sinh, bệnh tật mẹ và xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sau sinh.

Thời gian qua, công tác dân số và phát triển đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm triển khai. Năm 2022, các chỉ tiêu về dân số-KHHGĐ toàn tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục giảm ở mức 18%, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt 75%, duy trì mức giảm sinh 0,53‰, tỷ lệ tăng tự nhiên 11,5‰, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 105 nam/100 nữ.

Các đại biểu trao đổi về công tác truyền thông nâng cao chất lượng dân số tại Lễ phát động Chiến dịch tổ chức ở Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

Các đại biểu trao đổi về công tác truyền thông nâng cao chất lượng dân số tại Lễ phát động Chiến dịch tổ chức ở Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

“Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác dân số. Đặc biệt, cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các nội dung, hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tính lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Ngoài ra, cần quan tâm đến chất lượng và tính hiệu quả thiết thực trong cung cấp dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho đối tượng tự nguyện chăm sóc SKSS. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện; xác định rõ mục tiêu, địa chỉ, đối tượng tác động để chiến dịch đạt chất lượng và hiệu quả”-Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị.

Có thể bạn quan tâm