Du lịch

Truyền thuyết hồ Tâng Tuk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa “chảo lửa” Krông Pa có một hồ nước rộng lớn, tuyệt đẹp, quanh năm xanh trong màu ngọc bích: hồ Ia Mlah. Hồ nước thơ mộng như cổ tích này còn có tên gọi khác là hồ Tâng Tuk, được hình thành nên bởi một truyền thuyết gắn với người con gái Jrai xinh đẹp.

Theo lời của già Kpă Giao (hay còn gọi là Ma Hoa) ở buôn Chính Đơn, xã Ia Mlah, truyền thuyết kể rằng, năm xưa, vùng đất Ia Mlah xảy ra một trận đại hạn chưa từng có. Nàng Tâng Tuk xinh đẹp sinh con đầu lòng đúng giữa lúc thiên tai trút xuống dân làng. Một lần, nàng theo dân làng đi lấy nước ở một vũng nhỏ giữa bốn bề núi cao vây quanh, nhưng đến lượt nàng thì dòng nước cũng cạn khô.

 

Hồ Tâng Tuk tĩnh lặng trong một sớm mai. Ảnh: H.N
Hồ Tâng Tuk tĩnh lặng trong một sớm mai. Ảnh: H.N

Nàng ngửa mặt lên trời than rằng: “Ơi Yàng, xin hãy thương đứa con nhỏ của con đang chết khát ở nhà. Xin hãy thương dân làng đang khắc khoải chết khát từng ngày, từng giờ. Xin Yàng hãy ban nước xuống”. Khi nàng vừa dứt lời, bỗng một dòng nước phụt lên dữ dội từ giữa lòng đất. Dòng nước cuốn trôi hết bao nhiêu con người chờ lấy nước gây nên cảnh tang thương chia lìa. Nhưng dòng nước hung dữ cũng giải cơn khát cho người Jrai sau bao ngày đại hạn. Khi dòng nước ngừng tuôn trào, một hồ nước đã hình thành với hình dáng như cái ché tuk-một loại ché cổ và quý hiếm của người Jrai. Từ đó, người dân khắp nơi trong vùng gọi hồ nước là hồ Tâng Tuk theo tên của người con gái để ghi nhận công ơn của nàng đã gọi nước về, và cũng là cách nhắc nhớ các thế hệ người Jrai luôn giữ gìn những giá trị văn hóa của cha ông như giữ gìn chiếc ché cổ.

Hồ thủy lợi Ia Mlah như một chứng tích cho câu chuyện rất đẹp được lưu truyền trong nhân gian. Tuy nhiên, nhờ bàn tay con người, hồ Tâng Tuk đã trở thành một công trình thủy nông lớn nhất vùng với diện tích mặt nước 430 ha, cung cấp nước tưới cho trên 5.000 ha cây trồng, cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 36 ngàn người ở Ia Mlah và một số vùng lân cận. Hồ nước rộng lớn còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái cho toàn vùng.

Đến đây, người ta không chỉ được đẫm mình trong phong vị huyền hoặc của truyền thuyết, mà còn được thả hồn giữa hồ nước rộng mênh mông nằm dưới chân những ngọn núi nối nhau điệp trùng, bên những cánh rừng xanh thẳm. Có cảm giác mùa xuân đang đi dạo cùng những bước chân lữ khách khi cây cối ven hồ đồng loạt khoác lên mình màu áo mới. Anh Nguyễn Xuân Sang-Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah, người có trên 10 năm gắn bó với hồ thủy lợi này nói rằng, do được hợp lưu bởi 2 dòng suối chính Ia Mlah và suối Ia Bua-đều bắt nguồn từ những cánh rừng-nên nước ở hồ không chỉ xanh trong mà rất sạch. Chỉ vào những mùa mưa lũ, dòng nước mới đổi màu, nhưng cũng vài ngày là đã trở lại màu xanh biêng biếc muôn thuở, soi bóng những dãy núi, rặng cây, soi bóng cả những câu chuyện đầy hư ảo làm say đắm bao tâm hồn lãng mạn.

Sáng sớm, khi mây trắng vẫn còn ôm trọn những đỉnh núi cao, mặt hồ tĩnh lặng như gương. Sự thanh vắng trong một buổi sớm mai trong lành khiến ta nghe rõ mồn một tiếng chim gù trong những cánh rừng xa. Cảnh sắc tuyệt đẹp mà buồn man mác ấy lại là nơi lý tưởng cho trai gái trong những ngày đầu hò hẹn. Cô gái có đôi mắt trong veo và tĩnh lặng như mặt hồ Tâng Tuk tên Rơ Ô Hquel ở buôn Yik-buôn người Jrai sống rất gần lòng hồ-chia sẻ: “Mùa xuân là lúc hồ nước trong xanh đẹp nhất, trai gái trong làng thích nhau thường dẫn nhau ra đây nói chuyện. Thanh niên các làng khác cũng thường hay đến đây, nhiều nhất là vào những ngày Tết. Họ đi nhiều người, đông vui lắm”.

Để đến được hồ nước mang tên người con gái đẹp này, bạn chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe máy từ trung tâm huyện thẳng theo con đường bê tông phẳng lì. Đi qua những buôn làng Jrai với những ngôi nhà “dài như một tiếng chiêng”-kiến trúc rất đặc trưng ở vùng này, bạn sẽ thấy đây thực sự là một cuộc đi xứng đáng.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm