(GLO)- Cách đây 3 năm, vợ chồng anh Trần Văn Hiên (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đầu tư máy móc để chế biến cà phê bột từ nguồn nguyên liệu do gia đình sản xuất. Nhờ hướng đi này, gia đình anh đã tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần so với bán cà phê nhân xô.
Năm 1999, vợ chồng anh Hiên bắt đầu trồng cà phê rồi dần mở rộng diện tích lên 3,3 ha. Toàn bộ diện tích cà phê này đều được trồng theo tiêu chuẩn 4C. Trong quá trình sản xuất, vợ chồng anh nảy sinh ý tưởng tự chế biến cà phê từ nguồn nguyên liệu của gia đình để tăng lợi nhuận. Sau một thời gian dày công tìm hiểu kỹ thuật rang xay, cuối năm 2016, vợ chồng anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy rang công suất lớn để bắt đầu chế biến cà phê.
Cà phê bột Thảo Nguyên của gia đình anh Trần Văn Hiên được chọn tham gia triển lãm OCOP tỉnh Gia Lai. Ảnh: S.C |
Để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, gia đình anh chú trọng ngay từ khâu thu hái cà phê. Theo đó, việc thu hái chỉ thực hiện khi cà phê chín rộ, tỷ lệ trái chín tương đối đồng đều nhằm giữ được phẩm chất, hương vị tự nhiên. Trải qua công đoạn phân loại, làm sạch, tách vỏ, toàn bộ nhân cà phê được phơi khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời. Anh Hiên chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chất lượng cà phê được kiểm soát tốt từ lúc còn trên cây đến khâu sơ chế. Bởi chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định thành công khi khởi sự kinh doanh”. Không chỉ kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, vợ chồng anh còn luôn tự thẩm định chất lượng từng mẻ rang. Đồng thời, anh chị bỏ công sức nghiên cứu thói quen, khẩu vị cà phê của khách hàng theo từng vùng miền, từng phân khúc thị trường để cho ra sản phẩm cà phê bột phù hợp. Do vậy, chỉ 3 năm ra mắt thị trường các dòng sản phẩm: cà phê nguyên chất loại I, loại II, cà phê hạt ép máy, thương hiệu Cà phê Thảo Nguyên của gia đình anh đã chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Số lượng cà phê bột vợ chồng anh bán ra bình quân mỗi năm đạt 8-10 tấn với mức giá 100-120 ngàn đồng/kg.
Gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê qua chế biến là điều vợ chồng anh Hiên nhận thấy rất rõ. Với 3,3 ha cà phê, vụ vừa qua, gia đình anh thu được khoảng 14-15 tấn cà phê nhân. Nếu bán nhân xô với giá 32-34 ngàn đồng/kg như hiện nay thì gia đình anh thu về khoảng 510 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt tầm 100 triệu đồng. Thế nhưng, khi đưa vào chế biến thành phẩm cà phê bột thì giá trị gia tăng rõ rệt. Theo anh Hiên, bình quân mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình thu lãi khoảng 200-300 triệu đồng. So với bán cà phê nhân xô, lợi nhuận từ việc chế biến cà phê bột tăng gấp 2-3 lần. Từ những bước đi thử nghiệm ban đầu, gia đình anh đang tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký thương hiệu, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Là người theo sát động viên vợ chồng anh Hiên ngay từ những ngày đầu chế biến cà phê, ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: “Những kết quả đạt được của gia đình anh Hiên cho thấy, người nông dân không chỉ cần sản xuất giỏi mà còn phải nhanh nhạy nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường về nông sản sạch, gia tăng giá trị nông sản qua chế biến để vươn lên làm giàu chính đáng. Từ mô hình cà phê canh tác bền vững theo tiêu chuẩn 4C, tiến tới sản xuất cà phê bột nguyên chất 100% là bước gia tăng giá trị, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân khi tìm được đầu ra cho sản phẩm”. Cũng theo ông Thắm, vừa qua, Hội Nông dân huyện đã lựa chọn cà phê Thảo Nguyên là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lai lần thứ I-2019. Đặc biệt, tại sự kiện kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-2019 mới diễn ra ở TP. Pleiku, anh Hiên là một trong 7 cá nhân trên địa bàn tỉnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc sản xuất, chế biến cà phê theo chuỗi giá trị bền vững.
SƠN CA