Cách đây không lâu, cộng đồng mạng dậy sóng với sự việc do hai cậu bé gây ra. Trong một lần đến chơi nhà họ hàng, 2 anh em chơi cùng con mèo quý của gia chủ. Sau đó, chúng lấy tấm thảm lau chân phủ lên người chú mèo rồi 2 anh em thi nhau nhảy lên giẫm đạp khiến con vật bị thương rất nặng. Tưởng con mèo đã chết, 2 anh em đem giấu xác con vật nhằm xóa dấu vết. Chủ nhà sau đó tìm mãi không thấy mèo thì kiểm tra camera. Sự việc càng bị đẩy lên cao trào của sự phẫn nộ khi người chủ chú mèo tỏ ý trách cứ 2 đứa bé, thay vì xin lỗi, lại nhận được câu trả lời của người mẹ: “Trẻ con biết gì mà trách!”. Chính vì câu nói này, người chủ con mèo đã đem đoạn clip được cắt ra từ camera đăng lên mạng xã hội Facebook. Đoạn clip được hàng chục ngàn người chia sẻ và bình luận với những lời lẽ hết sức “gạch đá” dành cho 2 đứa trẻ và gia đình. Thậm chí, cộng đồng mạng còn tấn công Fanpage của một trường mầm non được cho là nơi công tác của người mẹ. Sự việc chỉ được xoa dịu khi con mèo được cứu sống.
Cũng gần đây, một quán cà phê treo biển và thông báo công khai trên Fanpage là sẽ ngừng phục vụ khách trẻ em dưới 12 tuổi. Lý do họ đưa ra là vì quán không có không gian vui chơi dành cho trẻ em, khuôn viên bên trong quán đa số được lót gỗ, những trò đùa nghịch, chạy nhảy của các bé gây ảnh hưởng không nhỏ đến không gian riêng tư của những người đến trò chuyện, thư giãn. Ngay khi thông báo được đăng lên cũng đã xuất hiện hàng ngàn lượt bình luận. Người thì cho rằng, quán làm như vậy là “đuổi” khách, là phân biệt đối xử với những người có con nhỏ… Nhưng cũng nhiều người bày tỏ sự đồng tình bởi họ nhiều lần bị trẻ nhỏ trong quán gây phiền hà vì những trò nghịch ngợm, thậm chí có người bị trẻ làm rách sách, đổ nước vào người, vỡ đồ… Đúng là, mỗi người ở vị trí khác nhau thì có những quan điểm khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là những bậc cha mẹ đã không biết cách quản lý, giáo dục con khi đưa chúng đến nơi công cộng. Đến nhà người khác chơi, đi quán sá, nhiều khi các bậc cha mẹ tụm lại tám chuyện hoặc say sưa lướt điện thoại, mặc cho các con chạy nhảy, đùa nghịch. Mà trẻ nhỏ, chúng hiếu động và chưa thể có ý thức như người lớn. Hậu quả là làm hỏng đồ đạc của gia chủ, gây phiền hà đến người xung quanh.
Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ em nghịch ngợm là chuyện đương nhiên (nguồn: Internet). |
Đành rằng, không thể “vơ đũa cả nắm”, khi mà chỉ có một số ít phụ huynh thiếu quan tâm trong việc giáo dục con cái. Nhưng trong một xã hội, khi các không gian sinh hoạt ngày càng mở và mạng xã hội là phương tiện truyền thông gần như nhanh nhất, tức thời nhất thì tất cả hành vi của con người càng cần phải thận trọng hơn. Ngay cả những đứa trẻ cũng cần được chỉ dạy cách chịu trách nhiệm với bản thân, từ đó hướng chúng đến những hành động đúng đắn. Sáng dậy muộn ư, sẽ đến lớp trễ giờ. Đi học muộn tất nhiên vi phạm nội quy trường lớp, sẽ bị trách phạt theo quy định. Rồi lâu dần thành thói quen làm gì cũng đến muộn giờ, suốt đời thành kẻ trễ hẹn, theo đó là nhiều cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Hay nổi giận ư? Dần sẽ hình thành thói quen không kiềm chế được cảm xúc, cả giận mất khôn, lâu dần rồi thành kẻ hàm hồ trong mắt người khác, khiến người ta ngại tới gần. Còn nhỏ không biết nhận lỗi, lớn lên sẽ thành người chuyên... đổ lỗi. Nghèo khổ thì đổ lỗi cho số phận, cho cha mẹ; làm hỏng việc thì đổ lỗi cho đồng nghiệp; thất bại thì đổ lỗi cho… ông trời.
Tất cả hành động của con người đều xuất phát từ suy nghĩ mà ra. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy giúp trẻ hiểu rằng, bị ngã là do mình đi đứng không cẩn thận, đừng đổ tại đường sá gồ ghề; thi trượt có thể là do mình học hành chưa chăm chỉ, đừng xem là tại học tài thi phận; bị trách phạt chắc chắn do bản thân mình đã mắc lỗi trước, đừng cho rằng do người khác quá khắt khe với mình… Chắc chắn cuộc đời sẽ không bao giờ chấp nhận một thanh niên sức dài vai rộng cứ hồn nhiên chơi bời lêu lổng, tụ bạ đàn đúm rồi hết tiền lại về “báo” cha mẹ. Cuộc đời cũng không chấp nhận những sai phạm cố tình gây ra rồi đi đổ thừa cho người khác.
Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt hàng ngày lại chính là nền tảng quan trọng, như những viên gạch góp phần xây nên tính cách mỗi người. Vậy nên, không ai khác mà chính bản thân mỗi chúng ta phải luôn học cách tự chịu trách nhiệm với từng lời nói, hành động nhỏ nhất của bản thân mình. Có như vậy mới có thể tạo ra cuộc sống tốt đẹp.