Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Từ điệu lân cung đình đến vũ điệu đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bắt đầu từ tối 13 kéo dài đến rằm tháng 8 Âm lịch, âm vang tiếng trống trầm bổng dẫn dắt những đoàn lân nhảy múa khắp mọi ngả đường con phố ở cố đô Huế mừng Tết Trung thu. Lân Huế thể hiện phong thái khoan thai, đĩnh đạc, đó là tư chất được đúc kết từ chốn hoàng cung xưa. Xây dựng một phong cách mang bản sắc văn hóa riêng của lân Huế, thoát ra khỏi lối chơi trọng võ thuật của người Trung Hoa.
 

Màn biểu diễn lân mẫu xuất lân nhi trong cung đình Huế.
Màn biểu diễn lân mẫu xuất lân nhi trong cung đình Huế.

Đến Huế vào những ngày tết Trung thu, ai cũng muốn nhanh chóng xuống đường để sớm được tận mắt xem những điệu múa lân rộn rã trên đường phố. Lân được xem là linh vật, biểu trưng cho thái bình, thịnh trị.
 

Thời Nguyễn, múa lân ở kinh đô Huế là loại hình nghệ thuật chỉ xuất hiện trong những ngày lễ trọng đại của triều đình như mừng thọ vua, thái hậu và đón tiếp sứ thần... Một màn múa lân thường có bảy trường đoạn: “thần linh xuất động” (lân rời khỏi hang), “bát bộ liên hoa”, “phục lân”, “lân linh chi”, “lân tranh châu”, “lân lý kiều” và “lân hồi sơn”. Người múa lân muốn thành công phải hiểu các trường đoạn mới nhập vai được.
 

Vũ điệu lân biểu diễn giữa phố Tây tại cố đô Huế.
Vũ điệu lân biểu diễn giữa phố Tây tại cố đô Huế.

Không chỉ là nghệ thuật múa mà hình ảnh con lân Huế còn có một vẻ đẹp rất thơ. Trong logo biểu tượng lân Huế luôn có ánh trăng thu. Đây là điều độc đáo mà chỉ riêng Huế có. Trong những điệu múa lân Huế, bao giờ cũng có hai con: con Kỳ và con Lân (tức là Lân đực và Lân cái). Ông Địa tượng trưng cho sự hoan hỉ, cầm quạt để xua đuổi tà ma.
 

Ba lân chụm đầu.
Ba lân chụm đầu.

Do hình thức múa lân xưa chỉ cho Vua xem nên con lân ở Huế rất đĩnh đạc, có những bước nhảy thấp. Tiết tấu trống lân mang âm sắc cung đình- tiếng trống đánh lên nghe không vang rền, như bị kìm lại, bị tức nên rất mạnh. Đây là điểm khác biệt giữa múa lân Huế với múa lân ở Sài Gòn (thực chất chính là múa Lân Trung Quốc - do những cư dân người Việt gốc Hoa  ở Chợ Lớn  tổ chức). Múa lân ở Sài Gòn thường mang đậm tính biểu diễn võ thuật. Múa để biểu dương sức mạnh và tính mạo hiểm chứ không theo một điển tích nào cả. Vì thế, con Lân múa rất cao, biểu diễn ào ạt...
 

Vũ điệu lân ngẫu hứng giữa đêm khuya tại cố đô Huế.
Vũ điệu lân ngẫu hứng giữa đêm khuya tại cố đô Huế.

Giờ đây, không ai ở cố đô Huế còn nhớ múa lân có từ khi nào. Chỉ biết, trong đêm trung thu các đội lân lớn nhỏ ở Huế sẽ ồ ạt xuống đường, trẻ em được ca mẹ chở đi xem. Lân- một trong Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) theo quan niệm xưa, lân biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, xua tan mọi điều không hay. Vì thế, trong các ngày 13, 14 đến 15 tháng 8 Âm lịch, nhà nhà ở Huế đều chờ và đón lân một cách trân trọng. Họ mở cửa, treo sẵn tiền thưởng trên những sợi dây buộc trên cửa lớn trước nhà cho những đoàn múa lân.
 

“Ông Địa” nhào lộn đón nhận tiền thưởng từ gia chủ cho đoàn lân.
“Ông Địa” nhào lộn đón nhận tiền thưởng từ gia chủ cho đoàn lân.

Múa lân ở Huế phục vụ nhân sinh, phục vụ cuộc sống nên trong mỗi màn múa Lân cũng chuyển tải bao khát vọng của con người. Đó là khát vọng thái bình, no ấm. Mỗi mùa Trung thu về, khi tiếng trống múa lân rộn ràng đầu ngõ, thì nhà nhà ở Huế đều mở của đón lân thay cho lời khấn nguyện hoà bình, no ấm.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm