Vượt khó trên đất mới
Tròn 30 năm thành lập, đến nay, Hội đồng hương Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tại Gia Lai đã quy tụ trên 1.000 hội viên thuộc 9 chi hội tham gia sinh hoạt. Trong 9 chi hội, Chi hội đồng hương Vĩnh Phú tại huyện Đức Cơ có số hội viên đông nhất với hơn 100 người. Chi hội trưởng Nguyễn Trung Thành (116 Phạm Văn Đồng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho hay: Tuy xa quê lập nghiệp trên đất mới song nhờ có chỗ dựa tinh thần là tình đồng hương nên các thành viên có động lực vươn lên mạnh mẽ. Dịp Giỗ Tổ hàng năm, Chi hội đều tổ chức nghi lễ trang nghiêm. Đây cũng là dịp gặp gỡ, hàn huyên và động viên nhau trong cuộc sống đời thường. Ngoài ra, Chi hội cũng cử người tham gia cùng Ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai dâng lễ cúng tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
Những người con đất Tổ trong Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai quy tụ về dưới Đền thờ Quốc Tổ. Ảnh: Trần Dung |
Kể về hành trình gắn bó với quê hương thứ hai, ông Thành hồi nhớ: Trải qua 3 năm 6 tháng cầm súng bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), ông may mắn chỉ bị thương nhẹ. Sau khi ra quân, năm 1987, ông rời quê (xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú) vào huyện Đức Cơ làm công nhân quốc phòng tại Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15). Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, do điều kiện gia đình khó khăn, ông xin nghỉ mất sức về trồng cà phê. Vợ ông vẫn làm tại Công ty cho đến lúc nghỉ hưu.
“Nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng vào Gia Lai lập nghiệp là quyết định đúng đắn. Tuy cuộc sống có lúc này lúc khác nhưng tôi vẫn mang niềm tự hào là người con đất Tổ, nỗ lực phấn đấu vì sự ổn định của gia đình mình và cũng là chung tay xây dựng quê hương Gia Lai”-ông Thành tâm sự. Giờ đây, ở tuổi 59, ông mãn nguyện vì 2 người con đầu đã có gia đình riêng, người con út đang học đại học năm thứ 2.
Với niềm thành kính dành cho đất Tổ, vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, các hội viên đều cùng nhau chuẩn bị lễ vật để làm lễ dâng hương. Ảnh: Đ.T |
Ở tuổi 81, bà Nguyễn Thị Yến (thôn 3, thị trấn Đak Đoa) vẫn rất nhanh nhẹn khi trò chuyện với chúng tôi. Bà kể, những năm chồng bà tập kết ra Bắc, họ gặp nhau và nên duyên trên quê hương Vĩnh Phú. Sau giải phóng, gia đình bà không về quê chồng ở Bình Định mà chọn lập nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Vì một số lý do, năm 1980, cả nhà chuyển về làng Phú Thọ (nay là xã An Phú, TP. Pleiku). Đó là thời điểm cực kỳ khó khăn, đời sống kham khổ do cả gia đình có đến 13 thành viên. Sau đó, 4 người con mất do đau bệnh lúc nhỏ. Bà chia sẻ: “Cuộc sống nhiều thăng trầm lắm. Nhưng rồi con cái cũng có nồi niêu riêng, có cuộc sống ổn định nhờ chăm chỉ làm ăn”. Năm 2007, do con cháu đều sinh sống tại Đak Đoa nên bà cũng chuyển về ở gần.
Nói về tình đồng hương trên vùng đất cao nguyên, bà Yến khẳng định đây chính là điểm tựa tinh thần giúp gia đình mình thêm vững vàng. “Ở đâu cũng là đất nước mình. Đến tuổi này như hạt gạo trên sàng, còn sức khỏe là còn mừng. Sắp tới, tôi sẽ về tham gia dâng lễ tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh. Tôi rất vui vì được tham gia nghi lễ thiêng liêng này”-bà Yến bày tỏ.
Chung tay xây dựng quê hương Gia Lai giàu mạnh
Nhìn lại hành trình cố kết cộng đồng để cùng duy trì truyền thống và đóng góp cho sự phát triển chung, ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai-cho hay: Thành lập từ năm 1994, từ chỗ chỉ có 50 hội viên tập trung chủ yếu ở Pleiku, đến nay, Hội đã phát triển được trên 1.000 hội viên thuộc 9 chi hội trong toàn tỉnh. Các chi hội đã nêu cao tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; có người lúc mới đến Gia Lai chưa có việc làm, chưa có nhà ở nhưng được sự đùm bọc của chi hội nên đã dần ổn định cuộc sống. Hầu hết hội viên đều chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình văn hóa, có nhiều người đảm nhiệm các vị trí, chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Với niềm thành kính dành cho đất Tổ, vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, các hội viên đều cùng nhau chuẩn bị lễ vật để làm lễ dâng hương. Đặc biệt, năm 2023, cùng về dâng lễ Quốc Tổ còn có đông đảo hội viên Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Kon Tum với quan niệm: Đã là con Lạc cháu Hồng thì ở đâu cũng là quê hương.
Người dân tham quan Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T |
Từng là một người lính lên đường từ quê hương Vĩnh Phú, ông Thu mang trong mình sự kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Năm 1970, ông nhập ngũ và tham gia nhiều chiến dịch như: Chiến dịch Đăk Xiêng-Kon Tum (năm 1970), Chiến dịch Đức Cơ (năm 1972), trận đánh Lệ Minh-Chư Nghé (năm 1973), Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975)… Trải qua nhiều vị trí, ông về công tác tại Trường Thiếu sinh quân Quân khu 5. Khi về hưu, ông đảm nhận vai trò Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai.
Ông Thu khẳng định: “Chúng tôi coi Gia Lai là quê hương thứ hai của mình. Vì vậy, dù bất cứ ở đâu, cương vị nào, hoàn cảnh nào, ai cũng say mê với công việc, với mục tiêu xây dựng gia đình vui tươi, hạnh phúc, ông bà mẫu mực-con cháu thảo hiền. Những người con Vĩnh Phú dù trai hay gái, dâu hay rể đều thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương, cùng ra sức phấn đấu xây dựng Gia Lai ngày càng giàu mạnh”.
Những nén tâm nhang thành kính được dâng lên Quốc Tổ. Ảnh: Trần Dung |
Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai cho biết thêm: Để duy trì hoạt động thăm hỏi lúc đau ốm, hiếu hỉ, các hội viên đều đóng hội phí thường xuyên, đầy đủ. Đặc biệt, năm nay, Hội sẽ tặng quà mừng thọ 62 cụ từ 70 đến 90 tuổi, 6 cụ trên 90 tuổi. Đó là sự tri ân dành cho thế hệ đầu tiên có mặt tại Gia Lai, không chỉ góp sức mình mà còn động viên lớp con cháu ra sức lao động, học tập, cống hiến trên quê hương mới.