Xuyên suốt chiều dài phát triển lịch sử văn hóa mỹ thuật Việt, sen là đề tài bất tận, xuất hiện trong thi ca, hội họa và gốm cũng không là ngoại lệ, đặc biệt trên các hiện vật ở giai đoạn Lý - Trần (thế kỷ 11 - 15), tiêu biểu là ấm.
Gọi những ấm gốm thời Lý - Trần trang trí cánh sen là những “huyền thoại”, bởi lẽ sự xuất hiện của dòng gốm dị biệt này, là dấu mốc quan trọng của bước chuyển mình gốm Việt. Nhà Lý lên ngôi, thiên hạ thái bình, giao thương thuận lợi, con dân thời Lý bắt đầu chú ý đến cái ăn, cái ở… đẩy lên hàng tinh tế, mỹ thuật cao. Nghề gốm phát triển mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế, từ đó những chiếc ấm trang trí cánh sen phủ men trắng ngà, men hoa nâu… ra đời, mang bản sắc riêng, định hình một phong cách gốm tráng men vô tiền khoáng hậu.
Vị trí thể hiện cánh sen trên ấm gốm Lý - Trần, thường nằm ở khu vực vòng tròn quanh vai ấm. Để nhận định một chiếc ấm đẹp, người chơi dựa vào kỹ thuật tỉa cánh sen, cánh sen càng dài, càng vểnh, biểu hiện rõ góc cạnh, càng thêm đẹp. Bên cạnh các đường sen kép, sen chồng, lại có thêm tràng hạt viền ngoài, giá trị chiếc ấm càng tôn quý bội phần.
Thủy trì men ngọc thời Lý với dải sen kép trang trí nổi bật. Ảnh: Phong An |
Trên tổng thể loại hình ấm trang trí cánh sen, thường có thêm hai chi tiết khác cùng hội tụ trên thân ấm là rồng và vẹt. Bộ ba ấy tưởng chẳng ăn nhập gì nhau, nhưng nếu chiếu vào thời kỳ lịch sử đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc, khi Phật giáo hưng thịnh, nhiều hiện vật thời Lý đã chỉ ra mối tương quan mật thiết của nhịp sống đời thường và niềm tin tôn giáo. Rồng tượng trưng cho đấng vương giả, biểu đạt uy dũng, sức mạnh. Sen tượng trưng cho sự tĩnh lặng, thanh cao, trong sáng. Vẹt tượng trưng cho khôn ngoan minh triết. Sen - vẹt trong tín ngưỡng Phật giáo đều là những gắn bó mật thiết với cuộc đời đức Phật từ tiền kiếp.
Bàn về ấm gốm cánh sen cách nay cả ngàn năm tuổi, nhà sưu tập Nguyên Phong (Hà Nội) miêu tả: “Nhìn trong ấm cảm giác có sự chuyển động, có sinh khí, tinh thần rõ nét. Càng ngắm những dáng ấm cánh sen càng nhận ra trong vẻ đẹp tạo hình từ đường nét, họa tiết, các đường vạch khắc cứ như những vần thơ, nhạc điệu, là sự kết tinh của tiếp biến giữa văn hóa, tín ngưỡng bản địa cùng tay nghề thủ công đỉnh cao của thợ gốm đương thời”.
Ấm đầu rồng, đuôi vẹt với tạo hình bổ múi - một kỹ thuật đỉnh cao của chế tác gốm mọi thời đại. Ảnh: Hiếu Trần |
Những tuyệt phẩm quý hiếm
Công năng của ấm cánh sen có thể là ấm rượu, ấm nước hay ấm trà, nhưng đều có điểm chung, hễ trang trí sen trên vai ấm, đều xứng hàng tuyệt phẩm. Xét kích cỡ từ nhỏ đến lớn, đầu tiên phải kể đến là dòng thủy trì, với màu men trắng ngà quen thuộc. Nhà sưu tập gốm Trương Việt Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Trong bộ sưu tập gốm Việt cổ, thủy trì là dòng hiện vật tôi cực kỳ yêu thích, không chỉ bởi kỹ thuật tạo hình, nhỏ nhưng trau chuốt, cầu kỳ, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người thợ gốm, mà còn minh chứng tinh thần hiếu học của người xưa. Trong bộ đồ nghề các bậc nho học, hẳn không thiếu lọ đựng nước mài mực và rửa bút, chính là thủy trì. Thủy trì càng tinh xảo, đẹp mắt, hoàn hảo bao nhiêu cũng gợi ý rằng chủ nhân nó ngày xưa, phải ở tầm bậc cao nho, trí thức, quan lại, hoàng triều... Sen trên thủy trì được tỉa tách kỹ như đang khoe nở, bồng bềnh trôi trên mặt ao hồ theo tưởng tượng, đẹp kín đáo mà không kém phần kiêu sa. Ngắm đóa sen nở trên thủy trì, càng thêm yêu gốm Việt”.
Ở kích cỡ lớn hơn thủy trì, có ấm dáng trái bần, nhỉnh bằng nắm tay, thuộc dòng gốm hoa nâu, được giới chơi gốm Việt mệnh danh là “kiệt tác” bởi độ hiếm, đặc biệt là kỹ thuật khắc tỉa cánh sen kép ba tầng trên vai ấm. Nhìn chiếc ấm ở góc cao từ trên xuống, thấy rõ cánh sen chồng đều tăm tắp với bố cục chặt chẽ, nuột nà như đang đua nở. Cũng bởi độ quý hiếm cùng kỹ thuật tác tạo vượt bậc, ấm sen hoa nâu thời Lý này được nhận định nhỏ mà đắt nhất thị trường hiện nay. Để so sánh, có thể đổi ngang chiếc ấm bằng nắm tay, hiện trạng hoàn hảo với một căn hộ chung cư khoảng 60 m2 ở các khu đô thị lớn.
Một dòng ấm trang trí cánh sen mang dáng con tiện chân cao, với vòi đầu rồng, đuôi hình vẹt đắp nổi cách điệu cũng là một tiêu biểu khác của gốm thời Lý. Dân gian quen gọi dòng ấm này là đầu rồng - đuôi vẹt. Nhìn trên dáng ấm, có thể thấy rõ kỹ thuật tỉa chân đế được thợ gốm trau chuốt tỉ mỉ, không đơn điệu mà tạo thành nếp lớp chân tiện. Trong dáng ấm gốm Việt cổ, ấm đi chân tiện thường sở hữu vẻ đẹp xiêu lòng người. Độ quý hiếm, sang trọng cũng dựa theo “chân dài” ấy tăng thêm bội phần.
Đã qua ngàn năm tồn tại, những chiếc ấm gốm trang trí cánh sen vẫn còn đó nét đẹp quyến rũ, xứng là báu vật trân ngoạn để lưu giữ, bảo tồn mãi theo thời gian.
(còn tiếp)
Theo PHONG AN (TNO)