Văn hóa

Tự hào hai tiếng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đi ngược hay về xuôi, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, mỗi người dân đất Việt đều thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương. Từ nét văn hóa độc đáo mà hiếm dân tộc nào trên thế giới có được, năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Niềm tự hào về người Việt, hồn Việt tiếp tục được khơi dậy, qua đó khẳng định sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.

1. Mỗi dân tộc đều có một đặc điểm riêng về đặc điểm tính cách, làm nên bản sắc riêng không thể hòa lẫn. Trong tác phẩm Đông Dương (viết trong những năm 1923-1924), Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra những căn tính, phẩm chất truyền đời của người Việt qua bao thế hệ, đó là: “Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn kính lẽ phải; ghét xa hoa, không hám tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, hy sinh…”. Một khái quát hết sức cô đọng mà đầy đủ từ tình yêu thương bao la với quê hương, giống nòi.

Trong tập sách nổi tiếng “Người Việt cao quý” xuất bản lần đầu vào năm 1965, nhà văn Vũ Hạnh đã thêm một lần nữa khẳng định những nét đẹp của dân tộc Việt, từ nhân dáng đến tính cách. Nói về đặc điểm gương mặt, ông viết: “Người Việt Nam nào biết quan tâm đến sinh hoạt của đồng bào mình, biết sống một cách hẳn hoi, thực sự cũng không thể nào không đem mình ra dang trải nắng gió, không cùng chung những đau khổ, và những cố gắng mà dân tộc mình phải chịu (…). Do đó, khuôn mặt đẹp nhất của người Việt Nam hiện tại vẫn là khuôn mặt rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, là khuôn mặt của những âu lo và của hy vọng, khuôn mặt linh động, phong phú của những con người đang viết những trang lịch sử lớn lao”. Ngay cả đường nét kiến trúc cũng thấm đẫm hồn Việt: “Trong cái bóng mát tỏa xuống khá dày với những hàng cột vững chắc, người Việt còn tìm gặp lại tấm lòng thành kính đối với những gì xa xưa và dễ bắt gặp một vài cánh dơi kỷ niệm chập chờn bay trên đầu mình, đưa họ trở về quá khứ lịch sử”. Bàn về ý thức luân lý, nhà văn Vũ Hạnh khẳng định: “Vì có ý thức luân lý sâu xa như thế nên người Việt Nam bao giờ cũng trọng nhân nghĩa và vẫn giữ được giá trị căn bản tinh thần để mà tồn tại qua nhiều giông tố lịch sử phũ phàng. Họ đứng vững chãi giữa lãnh thổ mình, và chắc họ sẽ đứng vững chãi như thế trong suốt quá trình lịch sử nhân loại”. Còn tinh thần bất khuất thì không có gì bàn cãi: “Đó là hình ảnh của một dân tộc không chịu nhục nhã, một dân tộc biết kiêu hãnh về giá trị mình và biết rằng mình cuối cùng rồi sẽ chiến thắng trong sự vinh quang, dù phải đương đầu với kẻ thù nào”.

Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Quốc Nguyễn

Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Quốc Nguyễn

2. Niềm tự hào là người Việt, mang trong mình dòng máu Việt đã được nhen lên từng chút một như thế, thành ngọn đuốc linh thiêng. Điều neo giữ, truyền đời những giá trị ấy là gì nếu không phải là lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội, mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là biểu hiện nhất quán và rực rỡ nhất. Cũng từ đây, mỗi người dân Việt Nam càng ý thức sâu sắc ý nghĩa của 2 tiếng “đồng bào” và sức mạnh cố kết cộng đồng.

Tối 21-4, phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-minh triết của dân tộc-gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa, một cộng đồng độc đáo trên thế giới. Từ nhận định trên, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần đưa tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển đất nước; đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần sớm hoàn thiện hệ giá trị văn hóa quốc gia và con người Việt Nam.

Trước đó, ngày 3-8-2022, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Đề án thống nhất lấy ngày 8-9 hàng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho hay, ngày 8-9 được lựa chọn vì đây là dấu mốc ý nghĩa gắn liền với lịch sử dân tộc nói chung và tiếng Việt nói riêng. Đơn cử: Ngày 8-9-1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào Bình dân học vụ; ngày 8-9-1962, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Từ năm 1965, ngày 8-9 cũng được UNESCO chọn là Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ.

Có thể thấy, với những quốc sách đúng đắn, hồn Việt, tiếng Việt từ bao đời nay luôn được nâng niu, tôn vinh và lan tỏa bằng tinh thần tự tôn của một giống nòi “luôn kiêu hãnh về giá trị mình”. Nhìn lại nền móng căn cốt mà tiền nhân đã tạo dựng cho dân tộc và quá trình gìn giữ, phát huy của thế hệ kế thừa để từ đó thêm một lần hàm ơn, thêm một lần tự hào về dòng máu tiên tổ-ấy chính là ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ, dịp lễ trọng của cả đất nước. Thử nghĩ, nếu không tự hào về những giá trị mình đang có thì sao có thể tự tin bước ra thế giới?

Có thể bạn quan tâm