Cựu chiến binh Lưu Thế Quý kể về những ngày tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Thế là đã 70 năm trôi qua, kể từ ngày ông cùng những người lính Sư đoàn 304 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, tôi tìm đến và trò chuyện với ông, ký ức về những năm tháng gian khổ hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào lại ùa về trong ông.
Ông Quý chia sẻ về những lần trở lại thăm Điện Biên cùng đồng đội. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Ngồi trầm tư một chút, ông chậm rãi kể: Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm 4 đại đoàn và hàng ngàn người dân, dân công hỏa tuyến. Trong khi Đại đoàn 308, 312, 316 hành quân với lực lượng tương đối đầy đủ thì Đại đoàn 304 là đơn vị duy nhất phải phân tán lực lượng cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ: Nhiệm vụ quốc tế ở Trung Lào; đánh địch trên chiến trường Tây Bắc và bảo vệ Trung ương ở khu căn cứ. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Đây là một trong 3 phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với hơn 2.000 tên địch, gồm một Tiểu đoàn lựu pháo 105mm, 1 Đại đội cối 120mm, 2 Trung đoàn xe tăng. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 phải tiến hành hàng loạt công tác chuẩn bị khác nhau: làm đường vận chuyển pháo, vận chuyển lương thực, đạn dược, xây dựng trận địa pháo binh, các trận địa cho các đơn vị xung kích... Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, quân Pháp và đồng minh nhiều lần dùng xe tăng, pháo binh, bộ binh tiến công nhằm đẩy lui quân ta ra khỏi trận địa. Tuy nhiên với tinh thần cảm tử cho Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ dù hy sinh nhiều nhưng vẫn kiên cường bám trụ, chia cắt đường 41. “Đến đầu tháng 4, không một chiếc máy bay nào của Pháp có thể hạ, cất cánh xuống sân bay. Để tiếp tế cho căn cứ Điện Biên Phủ máy bay của địch phải bay ở độ cao hơn 2.000 m thả đồ tiếp tế xuống, rất nhiều hàng hóa tiếp tế của địch rơi vào vị trí chiến đấu của các đơn vị ta, vô tình chúng tôi có những bữa ăn ngon”-cựu chiến binh Lưu Thế Quý nhớ lại.
Ông Quý tự hào khoe tấm ảnh chụp chung với bạn chiến đấu là cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Thời gian đã trôi qua 70 năm, trong ký ức về cuộc chiến tại Điện Biên Phủ năm xưa của những người như ông Quý đã ít nhiều phai nhạt. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm miền ký ức, ông kể cho chúng tôi câu chuyện về những trận đánh đầu tiên mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ phân khu Nam. Câu chuyện của ông làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có lẽ, đó là những câu chuyện mà không có nhiều người biết đến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông kể: "Sư đoàn tôi chia làm nhiều đơn vị, có đơn vị đang làm nhiệm vụ tại Lào, 2 Trung đoàn đang ở Thanh Hóa. Lúc đầu tôi ở Trung đoàn 66, cùng Tiểu đội với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tôi và đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia nhiều chiến dịch, sau này tôi chuyển về Trung đoàn 57, chúng tôi ít gặp nhau. Tuy nhiên, sau khi Tổng Bí thư nghỉ công tác, chúng tôi vẫn thường gặp nhau qua các cuộc họp bạn chiến đấu Đại đoàn 304".
Bức ảnh ông Quý chụp cùng cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được ông nâng niu cẩn thận. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trong câu chuyện ông kể với chúng tôi, đã sống lại những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. Đó không chỉ là những khó khăn gian khổ mà là những sáng tạo trong chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Những câu chuyện về các chiến sĩ pháo cao xạ dù bị pháo binh địch chế áp, người này hy sinh người kia lại đứng lên nhằm thẳng máy bay địch mà bắn. Hay như những đồng đội của ông, dù mưa bom, bão đạn, nhưng vẫn kiên cường, bám hầm đào hào, vừa chiến đấu vừa đào từng tấc đất. “Đến trung tuần tháng 3, hai mũi giao thông hào trục từ Đông sang Tây gặp nhau, xuyên qua đường 41 phía Nam bản Noong Nhai. Từ đây, phân khu Hồng Cúm (phân khu Nam) cắt khỏi trung tâm Mường Thanh, tạo điều kiện để các đơn vị khác tập kích vào phân khu trung tâm góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
"Thời gian xa quá rồi, với lại tuổi cao nên tôi không nhớ rõ hết. Tuy nhiên với những người lính Điện Biên như chúng tôi thì để có được chiến thắng ấy là cả một dân tộc cùng vào trận. Tôi không thể nào quên được những người mẹ Tây Bắc che chở, nuôi dưỡng đơn vị chúng tôi những ngày chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc, hay hàng ngàn dân công hỏa tuyến đã chở hàng hóa, lương thực, súng đạn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, khi rời quân ngũ, năm 1980 tôi chuyển vào Chư Sê sinh sống. Tôi vẫn nói với các con mình là phải biết trân quý quá khứ, hiểu quá khứ hào hùng của dân tộc để sống có ích cho tương lai”-ông Qúy tâm sự.
Ông Quý nhìn những tấm hình để nhớ về một thời tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Có lẽ cũng chính từ cách suy nghĩ ấy mà ông đã nuôi dạy 7 người con khôn lớn, sống có ích với đời. Trong đó, người con thứ 2 đã anh dũng hy sinh khi truy quét FULRO tại Kon Tum. Hiện nay, ông Quý có 2 người cháu nội tham gia quân đội, 1 người chắt đang công tác trong lực lượng Công an. Thời gian đã qua đi, lớp bụi có thể phủ mờ nhiều thứ, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, người cựu chiến binh 75 tuổi Đảng vẫn còn nhiều niềm đau đáu. Đó là nhiều đồng đội của ông ngã xuống trên các chiến trường đến nay vẫn chưa tìm thấy. “Mới đây, tỉnh có mời tôi ra thăm lại Điện Biên, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy nhiên tôi đã có tuổi, đi lại khó khăn nên không đi được. Điều này cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao được. Mấy ngày nay, hòa cùng với niềm vui của Đất nước, tôi vẫn mở ti vi để xem công tác chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi thấy tự hào lắm, dù mình chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, nhưng cũng để lại một phần thân thể nơi Tây Bắc xa xôi, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi bị thương và hiện nay là thương binh hạng 3/4"-ông Quý cho biết.