Xã hội

Từ ngày 1-4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát về tiền lương, mức sống tối thiểu của lao động tại 18 tỉnh, thành.

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2023, từ ngày 1-4-2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ dành một tháng để khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống người lao động tại 18 tỉnh, thành trong cả nước.
Nội dung khảo sát là thực hiện quy định lương tối thiểu vùng, điều chỉnh của doanh nghiệp trong quý 1 năm nay ra sao khi lương tối thiểu năm 2021 không thay đổi; thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho lao động tại 4 vùng; quỹ lương theo công việc hoặc chức danh, lương làm thêm giờ; số giờ làm việc trung bình của người lao động; lương, thưởng, phúc lợi, chi tiêu, nhà ở...
Vnexpess cho biết, theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, riêng năm 2021, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu tiếp tục tăng hơn 10%. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, lần điều chỉnh gần nhất đầu năm 2020, mức lương vùng I (cao nhất trong 4 vùng) là 4,42 triệu đồng, chưa đáp ứng mức sống thấp nhất và chỉ bằng 59% lương đủ sống. Hai năm dịch bùng phát làm phát sinh nhiều chi phí y tế, giá cả tăng cao khiến cuộc sống công nhân thêm khó khăn do lương gần như giậm chân tại chỗ. 
Cũng theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, sau khi tổng hợp các chỉ số CPI, GDP, năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp..., riêng năm 2022, lương tối thiểu vùng phải tăng lên ít nhất 10% mới có thể tiệm cận mức sống thấp nhất.
Người lao động đến tìm kiếm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn
Người lao động đến tìm kiếm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn
Trao đổi với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Lan Hương-nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay, xét về lý thuyết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Năm nay, nước ta ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Sau khi kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm thì sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng. Vì vậy, năm nay Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng có thể bàn bạc để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho năm 2023.
Cũng trao đổi về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ông Phạm Minh Huân-nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết, tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động. 2 năm qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, lương tối thiểu vùng không tăng, người lao động cũng hết sức chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn này.
Theo ông Huân, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi, nên cũng cần phải xem xét việc tăng lương, ít nhất để đủ bù trượt giá. Doanh nghiệp cũng gặp khó, người lao động cũng khó khăn, để xem xét có tăng lương tối thiểu hay không, mức tăng ra sao vẫn cần thêm kết quả khảo sát thực tế của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tới đây.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm