(GLO)- Hôm qua, một mình một xe, tôi lao lên Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) với ý nghĩ nên đi vào ngày chưa lễ hội, còn tới lễ hội thì nó là một thế giới khác. Tôi hay có những cuộc đi cắc cớ như thế.
Và hóa ra, những chuyến đi như thế, giờ ngồi tổng kết lại, thấy có ích.
Nhớ lần đầu tiên được ra nước ngoài là sang Singapore và Malaysia, thấy sao mà họ tài quá. Cái quốc gia tương đương một tỉnh nhỏ của Việt Nam là Singapore mà sao người đến tham quan nườm nượp, mà phần đông khách du lịch sang đấy lại là... dân Việt ta. Họ tổ chức tài đến mức cái công viên bé xíu cũng đắt khách, cũng phải xếp hàng mua vé.
Nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị để tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Duy Lê |
Tôi cũng được đi nhiều nơi trong nước và phát hiện miền Tây làm du lịch giỏi hơn miền Trung và miền Bắc, tất nhiên trừ các tỉnh, thành mà du lịch đã là mũi nhọn, đã nổi tiếng lâu nay... Gia Lai tôi cũng đã đi gần hết, nhiều lúc cũng băn khoăn: Chúng ta có phát triển du lịch được không?
Là người viết, tôi viết rất nhiều về văn hóa, về truyền thống dân tộc, về “đặc sản” Gia Lai, đặc biệt là viết về dã quỳ và các lễ hội Tây Nguyên. Và rất nhiều người đọc xong thì muốn... khám phá.
Có lần, mấy người bạn ở TP. Hồ Chí Minh nhờ tôi tổ chức một tour đi ngắm dã quỳ. Tôi giới thiệu cho một công ty du lịch nhưng trong đoàn lại có mấy ông... Tây. Thế là tắc.
Tôi cũng là người được mời phản biện công trình nghiên cứu khoa học về du lịch của ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Câu cuối của bản phản biện là: Với tình hình kiểm soát chặt chẽ khách du lịch, nhất là khách Tây như hiện nay, du lịch Gia Lai rất khó phát triển?
Gần đây, với sự quyết liệt chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, du lịch Gia Lai đã bắt đầu có sự chuyển dịch.
Một loạt dự án du lịch, kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch đã được triển khai, dù tất cả chỉ mới đều là... bước đầu. Ấy là An Khê tổ chức hội thảo với điểm nhấn là Khu Di chỉ Rộc Tưng, là Tây Sơn Thượng đạo, Phú Thiện phục dựng lễ hội cầu mưa, Kbang tổ chức ngày hội du lịch, rồi Chư Pah chuẩn bị lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, và Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên cũng sẽ là một sự kiện “đinh” của du lịch trong năm này.
Nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Bởi, có vẻ như du lịch Gia Lai chưa được kết nối, các “trục” du lịch chưa được khơi thông. Kbang tổ chức có vẻ hết sức đơn độc, thiếu sự liên kết để chia sẻ, để cập nhật thông tin và cả cập nhật sự liên thông giữa cả các cơ quan, các công ty du lịch lẫn người dân. Phú Thiện tổ chức cũng mới chỉ là... thử nghiệm, nó là một nghi lễ của làng chứ chưa thể phổ quát để có thể kéo khách vào. An Khê thì mới dừng ở mức... tiềm năng, dù tiềm năng ấy rất mạnh.
Và du lịch, không chỉ hướng tới khách ngoại tỉnh, khách ngoại quốc, mà cũng nên hướng tới khách nội địa, ngay trong tỉnh. Chỉ nội việc cái đầm sen ở Phú Thiện, lâu nay nó đã tồn tại rồi, không ai biết, nhưng rồi một bạn trẻ nào đấy đăng lên facebook, thế là nườm nượp khách vào, toàn dân ở Pleiku hoặc các huyện lân cận đổ xuống, đến mức chủ đầm phải... phát cáu, bởi họ trồng sen để lấy hạt chứ chưa nghĩ tới chuyện du lịch. Đường vào xấu kinh khủng, mười mấy cây số chỉ có thể đi xe máy, mà người cứ nườm nượp vào. Nó chứng tỏ, nhu cầu tham quan du lịch của người dân bản địa Gia Lai đây thôi cũng rất lớn, vấn đề là chúng ta tổ chức như thế nào.
“Như thế nào?”, đấy là một câu hỏi lớn. Nó phụ thuộc vào 2 yếu tố, cơ bản và... quan trọng, ấy là con người và vốn. Muốn người ta vào cái đầm sen Phú Thiện chẳng hạn, phải có vốn, trước hết là cải tạo con đường, rồi phải chỉnh trang cải tạo nó thành nơi có thể đón tiếp khách ăn nghỉ giải trí, chứ giờ nó mới chỉ là cái đầm hoang, chạy vào chụp mấy cái ảnh rồi chạy ra là... hết!
Ở Gia Lai, tôi thấy bất cứ chỗ nào, ở đâu cũng có thể làm du lịch, vấn đề là ngoài vốn và con người ra, còn phải có một sự đồng bộ trong chính sách, sự liên kết giữa các địa phương, các điểm, các trục... để khách đến là muốn ở lại, muốn quay lại. Chứ lâu nay, ngay như thắng cảnh Biển Hồ, tôi rất nhiều lần đưa khách đến, có biết chuyện và viết nhiều về nó, thế mà chỉ đứng giải thích chừng... 15 phút là hết chuyện, lại di chuyển. Còn những người khác, đến ngơ ngác một lúc, rồi đi...
Nhưng tôi tin, trong dòng chảy chung, du lịch Gia Lai nhất định sẽ cất cánh. Bởi, không chỉ có nỗ lực của chúng ta, rất nhiều công ty du lịch, nhiều địa phương có kinh nghiệm, có tiềm năng du lịch đang muốn mở rộng địa bàn, muốn làm mới tour của họ. Và không thể khác, họ sẽ phải bắt tay với chúng ta.
Và đấy chính là thời cơ của Gia Lai.
Văn Công Hùng