Hơn 10 năm khởi nghiệp cuộc sống gia đình anh Nguyễn Quốc Việt (Vĩnh Long) từ đủ ăn nay đã vươn lên thành tỷ phú...
Xuất thân từ quân ngũ, sau hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Quốc Việt, 35 tuổi, ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã bắt đầu gắn bó với công việc đồng áng.
Hơn 10 năm khởi nghiệp cuộc sống gia đình anh Việt từ đủ ăn nay đã vươn lên thành tỷ phú, nhờ đó anh có điều kiện giúp đỡ hàng chục thanh niên địa phương có việc làm ổn định.
Với quyết tâm lập nghiệp, vươn lên làm giàu, năm 2002, anh Nguyễn Quốc Việt bắt tay vào lao động trên mảnh ruộng của gia đình và tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2005 anh Việt mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và gia công thêm cho bà con quanh xóm để kiếm thêm thu nhập.
Anh Nguyễn Quốc Việt - bên xưởng cơ khí của gia đình |
Do nhu cầu lao động trong nông nghiệp ngày càng khan hiếm, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ, trong khi đó máy gặt đập liên hợp có tính năng thu hoạch nhanh, ít hao hụt, chi phí thấp nên máy gặt đập của anh hoạt động liên tục nhưng vẫn không đáp ứng hết diện tích lúa của bà con trong ấp.
Sau khi cân nhắc hiệu quả đầu tư vào máy gặt đập liên hợp anh Việt bàn với gia đình huy động vốn mua thêm 2 máy gặt đập liên hợp, một máy cộ và một máy xới để sản xuất và thu hoạch khép kín.
Đến mùa vụ, các phương tiện cơ giới của anh Việt đã có mặt trên các cánh đồng của huyện Bình Tân để thu hoạch lúa. Hàng chục thanh niên tham gia các công đoạn cắt lúa, vô bao rồi vận chuyển lúa ra xe hoặc xuống ghe cho chủ ruộng.
Trần Hữu Lâm-tham gia tổ thu hoạch lúa cho biết, từ khi làm việc cùng anh Việt, bản thân anh và nhiều thanh niên địa phương có thêm thu nhập khá, nhưng công việc cũng bớt nặng nhọc so với thu hoạch thủ công.
Thành quả của anh Việt sau 10 năm khởi nghiệp. |
Trong quá trình sản xuất lúa, anh Việt nhận ra rằng: “Trong canh tác lúa, thì giống lúa có năng suất, chất cao quyết định rất lớn vào hiệu quả của cả vụ sản xuất”.
Không dừng lại ở công đoạn thu hoạch lúa, anh Việt bắt tay vào sản xuất lúa giống để canh tác. Do giống lúa anh sản xuất ra được khử lẫn, hạt đồng điều, chất lượng cao, nên thương lái tranh mua sau mỗi vụ thu hoạch, giá lúa bán ra luôn cao hơn giá thị trường. Nhiều bà con chung quanh thấy thế đến mua lúa giống về gieo sạ ngày một đông hơn.
Tháng 5-2012 anh Việt quyết định thành lập Tổ sản xuất lúa giống ấp Kinh Mới. Tổ có 5 thành viên là đoàn viên tham gia sản xuất trên diện tích khoảng 7 ha. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống của ngành nông nghiệp địa phương, cộng với tính cần cù, vượt khó, ham học hỏi nên 5 thành viên của tổ sản xuất lúa giống đạt hiệu quả ngay từ vụ lúa đầu tiên với năng suất 8 tấn/ha. Lúa giống thành phẩm bán ra 10.000 đồng/kg.
Về hiệu quả của tổ sản xuất lúa giống này anh Nguyễn Quốc Việt cho biết: "Ở đây nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cán bộ phòng nông nghiệp và xã đoàn thấy hiệu quả nên vận động vô để thành lập tổ sản xuất lúa giống cộng đồng bán cho nông dân khu vực này, các huyện và tỉnh Đồng Tháp, giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu”.
Từ kết quả này, các thanh niên trong ấp đăng ký xin gia nhập vào tổ sản xuất, nâng số thành viên của tổ lên 16 người, diện tích sản xuất nâng lên 21 ha. Phương châm hoạt động của tổ là thành viên cũ truyền kinh nghiệm cho các thành viên mới; thường xuyên mời các kỹ sư nông nghiệp xuống thăm đồng theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Do vậy, lúa giống sản xuất chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn theo qui định của ngành nông nghiệp nên được nhiều nông dân trong xã và các cơ sở kinh doanh lúa giống đặt hàng. Lợi nhuận hàng năm của tổ sản xuất cũng được nâng lên. Đến nay, diện tích sản xuất lúa giống Kinh Mới nâng lên 33 ha với gần 30 thành viên tham gia.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới trên đồng ruộng ở huyện Bình Tân. |
Ngoài 2 ha đất của gia đình, mỗi năm anh còn thuê thêm 2 ha đất của bà con chung quanh để sản xuất. Diện tích đất này anh trồng 1 vụ lúa xen canh 1-2 vụ màu. Bình quân 4 ha đất trồng lúa mỗi năm thu hoạch hơn 100 tấn/năm. Riêng diện tích trồng màu, mỗi năm thu được từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hoài Phong-Bí thư xã đoàn Mỹ Thuận, huyện Bình Tân cho biết, anh Việt là thanh niên cần cù, sáng tạo. Từ ngày lập gia đình ra riêng, được cha mẹ cho 4.000 m2 đất sản xuất, đến nay vợ chồng anh đã có trong tay vài ba ha ruộng, vườn. Số phương tiện ban đầu từ một máy gặt đập liên hợp đến nay được nâng lên 3 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày, 9 máy sạ hàng, 3 máy cộ….với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 thanh niên địa phương, anh Nguyễn Hoài Phong còn đứng ra vận động các thành viên trong tổ nhân giống gây quỹ hơn 20 triệu đồng, giúp nhiều thanh niên trong ấp mượn vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
“Anh Việt đã giúp được thanh niên rất tốt. Sau khi anh làm ăn có hiệu quả đã đầu tư máy móc giúp đỡ thanh niên lân cận, để giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương” - anh Nguyễn Hoài Phong cho biết.
Chị Nguyễn Huỳnh Thu-Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long nhận xét, mô hình của anh Việt đã hỗ trợ các thanh niên trong địa phương nâng cao đời sống, đó là điểm sáng trong phong trào Đoàn ở Vĩnh Long.
"Anh Việt là một thanh niên có chí tiến thủ cao, mạnh dạn trong việc đầu tư phương tiện của mình để thực hiện mong muốn khởi nghiệp của anh. Anh cũng là cán bộ đoàn tiêu biểu không chỉ quan tâm đến việc kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn quan tâm đến các hoạt động xã hội, tham gia các hoạt động địa phương. Đó là cơ hội để tổ chức đoàn cùng với anh hỗ trợ phong trào khởi nghiệp của gia đình anh” - chị Nguyễn Huỳnh Thu cho biết.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, đến nay các thanh niên được anh Việt giúp đỡ đều chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo. Anh Nguyễn Quốc Việt được địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn ấp Kinh Mới, được Trung ương Đoàn tặng thưởng bằng khen và được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015.
Hữu Trãi (VOV)