Thời sự - Sự kiện

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 25-9, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2571/UBND-NL chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Gần đây, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số địa phương như: Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông..., gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây bức xúc trong xã hội. Để sớm khắc phục những tồn tại nêu trên, ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chương trình số 38-CTr/TU ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 3671/KH-UBND ngày 21-9-2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Hà Đông tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: G.H
Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Hà Đông tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: G.H

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất; xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng...

Kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã, cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại trên địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo việc giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đồng thời, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn phụ trách.

Lực lượng chức năng huyện Kbang khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: H.V
Lực lượng chức năng huyện Kbang khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: H.V

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai các biện pháp nghiệp vụ thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, điều tra xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng ngay từ khi mới phát sinh. Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cộng đồng, hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt cam kết bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Có thể bạn quan tâm