Thời sự - Sự kiện

UBND tỉnh Gia Lai triển khai nhiệm vụ tháng 8-2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 6-8, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị sơ kết công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Còn nhiều tồn tại, vướng mắc

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng 6 và tính chung 7 tháng tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2023; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đến ngày 1-8-2024 là 3.961,1 tỷ đồng (đạt 70,4% so với dự toán Trung ương giao, đạt 68,1% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 604 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 57,5% kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng; lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, du lịch tiếp tục khởi sắc; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.N

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.N

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024 cũng còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp; kết quả triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kế hoạch; tội phạm trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến thời điểm hiện nay đạt kết quả khá thấp. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 trên 4.487 tỷ đồng, đến ngày 1-8-2024 đã giải ngân hơn 1.178 tỷ đồng, đạt 26,3% tổng kế hoạch. Trong đó, vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 769,7 tỷ đồng, giải ngân 226,6 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch.

Để đảm bảo mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao trong những tháng còn lại của năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao theo quy định.

Đặc biệt, các địa phương nơi có các dự án đang vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn cho dự án.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cho dự án. Ảnh: M.N

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cho dự án. Ảnh: M.N

Liên quan đến tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô thông tin: Tổng vốn ngân sách đã phân bổ trên 1.435 tỷ đồng, đến thời điểm 31-7-2024 đã giải ngân 356,7 tỷ đồng, đạt 24,86% kế hoạch.

Trong đó, Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết đạt tỷ lệ giải ngân 53,6%; Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc đạt tỷ lệ giải ngân 40%.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, nhiều địa phương không còn quỹ đất ở và đất sản xuất để cấp cho đối tượng được hỗ trợ; giá đất ở và đất sản xuất quá cao so với định mức hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo nên việc đóng góp thêm kinh phí để mua được đất ở, đất sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có bìa đỏ nên giải pháp mua bán, chuyển nhượng cũng không thực hiện được dẫn đến không giải ngân được nguồn kinh phí đã cấp cho dự án.

Thi công đường Đào Duy Từ (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Thi công đường Đào Duy Từ (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Nói về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính của Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 126,6 km với diện tích thu hồi 159,7 ha đã hoàn thành, chỉ còn vướng 1 hộ chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku tiếp tục thông báo cho hộ dân này nhận tiền bồi thường và thực hiện các bước tiếp theo.

Đối với Dự án đường liên huyện Chư Păh-Đak Đoa-TP. Pleiku, đến nay, huyện Đak Đoa đã bàn giao 100% mặt bằng (7,15 km), trong khi huyện Chư Păh chỉ mới bàn giao 1/3,43 km; TP. Pleiku bàn giao 2,43/4,5 km cho đơn vị thi công.

Theo ông Trung, trên địa bàn TP. Pleiku, 164 hộ có đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, đã có 133 hộ đồng ý với phương án bồi thường, số hộ còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định phương án bồi thường.

Bên cạnh đó, công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Đak Pơ và việc di dời các công trình hạ tầng thiết yếu trong phạm vi mặt bằng đối với dự án này hiện cũng còn một số vướng mắc.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm; việc triển khai Luật Đất đai, chính sách tiền lương; việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh, xây dựng kế hoạch khắc phục kết luận của Thanh tra Chính phủ…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu giám đốc các sở; thủ trưởng các ngành, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo và các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại hội nghị; chủ động khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đề nghị các sở, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoàn thành kế hoạch của tỉnh ở mức cao nhất.. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đề nghị các sở, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoàn thành kế hoạch của tỉnh ở mức cao nhất.. Ảnh: M.N

Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, các quy định về quản lý vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Đối với việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu các cơ quan thường trực phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các sở, ngành, địa phương liên quan đến chương trình mình phụ trách, kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc; chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chương trình tổ chức họp để xử lý các vướng mắc theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp giao nhiệm vụ cụ thể: “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với nguồn vốn đầu tư phát triển), Sở Tài chính (đối với nguồn vốn sự nghiệp) rà soát các nguồn vốn đã được Trung ương, HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ nhưng không còn đối tượng để bố trí, chưa được điều chuyển kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh sang các nhiệm vụ chi khác đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đúng quy định pháp luật; hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh các chương trình, dự án theo thẩm quyền; trong trường hợp không thể thực hiện điều chỉnh, phân bổ có văn bản đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10-8-2024 để đề xuất cấp có thẩm quyền trả nguồn về trung ương”.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành tập trung phân tích những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự toán ngân sách, tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: M.N

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành tập trung phân tích những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự toán ngân sách, tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: M.N

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công năm 2025 và chuẩn bị các điều kiện xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030.

Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất UBND tỉnh triển khai các bước tiếp theo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; đẩy nhanh tiến độ thi công và xử lý dứt điểm các bất cập trong quá trình thi công Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19).

Đồng thời, Thanh tra tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch khắc phục những sai phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó tránh trùng lắp những nội dung đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận mà tỉnh đã xử lý; Thanh tra tỉnh làm đầu mối tổng hợp các báo cáo kế hoạch khắc phục của các đơn vị liên quan để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Có thể bạn quan tâm