Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ngày 30-10 đã ký kết Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đột phá cả về lượng khách lẫn tổng thu từ khách du lịch.
Nếu như năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 7,9 triệu lượt thì năm 2019 đã tăng lên 18 triệu lượt khách, gấp 2,3 lần; khách nội địa cũng tăng 1,5 lần từ 57 triệu lượt khách (2015) lên 85 triệu lượt khách (2019). Năm 2019, du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Việc ký kết Quy chế phối hợp giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm của du khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam. Ảnh: Bạch Hoàng Dương |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 10 tháng năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón được xấp xỉ 3,7 triệu lượt khách quốc tế và 43,5 triệu lượt khách nội địa, giảm 41% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch quốc tế "đóng băng" từ tháng 2. Tổng doanh thu của ngành đạt 233.000 tỉ đồng, giảm 48%.
Trong thời gian qua, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị "chặt chém", lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trà trộn bán hàng kém chất lượng... Những sự việc này đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch và trải nghiệm của du khách, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, để có sự phát triển, bứt phá cần có sự hỗ trợ, tăng cường phối hợp của các địa phương, các cơ quan chức năng.
Việc hợp tác, ký kết của hai ngành sẽ đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm của du khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia"; ứng dụng "Du lịch Việt Nam", "Hướng dẫn Du lịch Việt Nam", "Du lịch Việt Nam an toàn"...
Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường ký quy chế phối hợp |
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam.
Việc phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung vào việc tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.
Hai bên cũng sẽ chú trọng xây dựng, phát triển ứng dụng dùng chung trên nền tảng số và công nghệ tiên tiến để có thể tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Cũng nhân dịp này, Tổng cục Du lịch đã giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ứng dụng giúp kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua ứng dụng, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.
Các ý kiến phản hồi của khách du lịch, với sự hỗ trợ của công nghệ số sẽ được Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Du lịch kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của khách.
Yến Anh (NLĐO)