Bác sĩ Lê Văn Vinh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Căng thẳng tâm lý là tình trạng mà con người cảm thấy khi phải chịu áp lực về tinh thần, thể chất. Sự căng thẳng có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng cũng như hoạt động hàng ngày. Các tình huống gây căng thẳng trong môi trường học đường như: bị tẩy chay, bị bắt nạt, thay đổi chỗ ở, áp lực học tập… Ứng phó với tâm lý căng thẳng là khả năng con người bình tĩnh, sẵn sàng đón nhận những tình huống căng thẳng như là một phần tất yếu của cuộc sống, là khả năng nhận biết sự căng thẳng, hiểu được nguyên nhân, hậu quả của căng thẳng, cũng như biết cách suy nghĩ và ứng phó một cách tích cực khi bị căng thẳng.
Cũng theo bác sĩ Vinh, đối với học sinh, trên thực tế, đôi khi, các em hoàn toàn không thể né tránh được những căng thẳng, rắc rối đến từ nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Vì thế, cách duy nhất là đối mặt và vượt qua chúng. “Khi căng thẳng sợ hãi, việc đầu tiên học sinh cần làm là tập trung vào hơi thở để bình tĩnh và xử lý tình huống. Việc các em cứ cố chịu đựng, cất giấu những lo lắng trong lòng chỉ khiến cho mọi chuyện càng trở nên tồi tệ, sự căng thẳng sẽ càng tăng cao và nguy cơ sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Để chủ động ứng phó, học sinh cần được trang bị kiến thức, tự nhận biết các trạng huống tâm lý căng thẳng. Hãy tuân thủ theo thứ tự: né tránh-thay đổi-thích nghi-chấp nhận. Điều quan trọng nhất vẫn luôn là bản thân các em, hãy biết yêu thương chính bản thân mình”-bác sĩ Vinh chia sẻ.
Một buổi sinh hoạt dưới cờ của Tổ tham vấn học đường Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Thị Diễm |
Khi thiết kế sách Giáo dục công dân 7 được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nội dung bài học: Ứng phó với tâm lý căng thẳng. Từ những tri thức được khám phá, các em học sinh sẽ nhận xét, đánh giá được thái độ và hành vi của bản thân, để từ đó biết cách tự điều chỉnh, phát triển hoàn thiện bản thân. Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân 7, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Văn Thị Hoàng Vy (Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông có vai trò to lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục học sinh về ý thức và hành vi, góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sống, phát triển những phẩm chất và năng lực. Chính vì thế, việc trang bị những kiến thức cần thiết như tìm ra nguyên nhân của tâm lý căng thẳng và cách ứng phó tích cực là một điều cần thiết của bộ môn này”.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku), trong năm học 2022-2023, Liên Đội phối hợp với Tổ tham vấn học đường của nhà trường cũng đã tổ chức một số buổi sinh hoạt về nội dung này, đơn cử như buổi sinh hoạt với chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp”. Tại buổi sinh hoạt, các em học sinh được trực tiếp đối thoại với thầy cô trong tổ tham vấn về cách ứng phó với tâm lý căng thẳng khi bạo lực học đường xảy ra, từ đó xây dựng văn hóa học đường và xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh. Em Tô Tăng Nhật Lan (lớp 7/2, Trường THCS Nguyễn Du) tâm sự: “Qua những hoạt động ngoại khóa, chúng em được trực tiếp trao đổi với thầy cô trong tổ tham vấn và cùng thảo luận, tham gia hoạt động nhóm để nhận biết biểu hiện của cơ thể khi bản thân bị tâm lý căng thẳng, tác hại và biện pháp ứng phó căng thẳng như thế nào cho phù hợp để chúng em không bị rơi vào những tình huống không mong muốn như thế nữa”.
Thầy Lê Hữu Tuấn Anh-Tổ trưởng Tổ tham vấn học đường Trường THCS Nguyễn Du-cho hay: Học sinh nếu được trang bị kỹ năng ứng phó tốt sẽ có chất lượng học tập cao hơn, dễ dàng điều chỉnh và cân bằng trạng thái tâm lý của bản thân. Vì thế, việc rèn luyện cho học sinh có đầy đủ các kỹ năng là cần thiết để các em tránh khỏi những hệ lụy khôn lường. “Có nhiều cách để ứng phó với tâm lý căng thẳng, nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân các em học sinh biết điều chỉnh lối sống, quản lý thời gian và sử dụng kỹ năng giải trí. Tuy nhiên, nếu căng thẳng kéo dài, các em nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè, thầy cô và gia đình”-thầy Tuấn Anh nói.