"Nhà tư vấn tâm lý" học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Để rồi, trên hành trình gian nan mà không kém phần hạnh phúc của nghề giáo, cô đã trở thành “nhà tư vấn tâm lý” của nhiều học trò bằng chính trái tim bao dung và sẻ chia.

Mềm nắn, rắn buông

Không biết tự bao giờ, hễ gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống, hầu hết học sinh Trường THPT Pleiku thường chủ động tìm đến cô Hải và Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường để được “gỡ rối tơ lòng”. Em Nguyễn Thị Kim Yến (lớp 11A4) tâm sự: “Đầu năm lớp 11, gia đình em gặp chuyện không vui. Điều đó khiến em học hành sa sút, đôi lúc còn nghĩ quẩn. Chính lúc đó, cô Hải đã gần gũi, động viên, khuyên nhủ và giúp em giải quyết được những khúc mắc trong lòng. Và rồi, em quyết định xin cô gia nhập Tổ Tư vấn tâm lý của trường để có thể hỗ trợ những bạn gặp vấn đề như mình”.

Yến là một trong những học sinh từng được cô Hải “vực dậy” thành công, song chưa phải là “ca” khó nhất. Cô Hải nhắc nhớ: Năm học 2018-2019, lớp 10A3 có một nam sinh cá biệt tên P. Em P. có lực học kém, gần như mất gốc kiến thức nhưng lên lớp thì toàn ngủ gật. Thậm chí, P. còn đánh nhau gây mất an ninh học đường và có mối quan hệ xã hội phức tạp. Lúc bấy giờ, nhà trường đã tính đến phương án buộc thôi học đối với học sinh này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi quyết định đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của em trước Ban Giám hiệu nhà trường.

 Cô Nguyễn Thị Đông Hải đã trở thành “nhà tư vấn tâm lý” của nhiều học trò bằng chính trái tim bao dung và sẻ chia. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nguyễn Thị Đông Hải đã trở thành “nhà tư vấn tâm lý” của nhiều học trò bằng chính trái tim bao dung và sẻ chia. Ảnh: Mộc Trà



Nắm bắt tâm lý thích làm “đàn anh” của P, cô Hải cho cậu cơ hội tiếp tục được thể hiện cá tính của bản thân với tinh thần “dẹp loạn chứ không gây loạn” thông qua việc quản lý học sinh khối 10 của trường, không để xảy ra tình trạng đánh nhau gây mất đoàn kết. Đồng thời, chỉ đạo và chung tay cùng với các giáo viên phụ đạo, giúp P. củng cố kiến thức. “Đáng mừng là sau một thời gian, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tích cực của P. Việc học tập của em cũng tiến bộ không ngừng. Không chỉ đậu tốt nghiệp THPT, em còn trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và đang là sinh viên năm 2. Đặc biệt, P. luôn gọi tôi bằng hai tiếng thân thương “má Hải” và thường xuyên lui tới thăm hỏi tôi mỗi khi về Pleiku. Tôi nhận ra rằng, dạy học sinh cá tính chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng chỉ cần chúng ta đối xử với các em bằng trái tim bao dung thì vẫn có thể giúp các em thay đổi”-cô Hải chia sẻ.

Lan tỏa yêu thương

Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku: Cô Hải là người hiểu biết sâu về tâm lý học đường; luôn linh động, sáng tạo, mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng mới và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa và lan tỏa trong nhà trường. Trong vai trò là Phó Hiệu trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, cô Hải đã cùng với các giáo viên từng bước hỗ trợ học sinh, giúp nhiều em tiến bộ và trưởng thành; qua đó, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi, an toàn và giàu tình yêu thương.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn), năm 1994, cô Hải về giảng dạy tại một trường phổ thông ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Là giáo viên trẻ, cô tích cực tham gia cùng Đoàn trường đến nhà vận động các em đi học; tổ chức những hoạt động phong trào hấp dẫn, kết nối và sẻ chia để thu hút học trò. Đến tháng 10-2003, cô Hải được cấp trên tín nhiệm giao trọng trách Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông trung học Đức Cơ. Trên cương vị mới, cô tiếp tục khởi xướng nhiều hoạt động ý nghĩa, kêu gọi xã hội hóa nhằm hỗ trợ học sinh trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, dấu ấn về cô giáo Hải với học trò được thể hiện rõ nét hơn kể từ tháng 12-2008, khi cô chuyển về Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, phụ trách công tác quản lý giáo dục đặc thù.

Thông qua các buổi sinh hoạt nội trú cuối tuần, hoạt động ngoại khóa, các diễn đàn giao lưu, cô Hải đã lồng ghép tuyên truyền cho học sinh những kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu, tình bạn, tảo hôn, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng sống tập thể; đồng thời, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, cô Hải còn trở thành “nhà tư vấn tâm lý” riêng của nhiều học trò, được các em tin quý. “Gần 10 năm công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, tôi nhận được rất nhiều lá thư của các em tâm sự về tình bạn, tình yêu và cả khó khăn trong học tập và đều được tôi gặp gỡ và cho lời khuyên. Sau này, nhiều em không viết thư nữa mà chủ động hẹn gặp, xem tôi như một người thân. Với tôi, như vậy đã là thành công lớn”-cô Hải bộc bạch.

Cũng tại ngôi trường này, cô Hải cùng với tập thể lãnh đạo nhà trường đưa ra ý tưởng nấu ăn sáng cho học sinh nội trú thay vì cấp phát tiền như trước đó để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho các em. Ngoài ra, cô còn quan tâm đến chất lượng bữa ăn hàng ngày, tìm hiểu sở thích và thói quen ăn uống của trò để tạo nên những bữa ăn phong phú, hợp khẩu vị. Lượng thức ăn thừa, cô Hải không bỏ đi mà bán lại cho những người chăn nuôi gia súc để lấy tiền đưa vào “quỹ ăn tươi” giúp học sinh thêm bữa ăn ngon vào mỗi dịp lễ, Tết.

Khi về đảm nhận chức Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku từ năm 2017 đến nay, cô Hải vẫn tiếp tục lan tỏa tình yêu thương thông qua những việc làm đậm tính nhân văn. Một trong số đó là việc sáng lập “Quỹ Kết nối yêu thương” của trường vào năm 2019 nhằm hỗ trợ, động viên học sinh mồ côi, học sinh vượt khó đến trường hoặc các trường hợp gặp rủi ro trong cuộc sống. Ngoài ra, đối tượng mà Quỹ hướng đến còn có cán bộ, giáo viên và người thân của họ. Việc xây dựng chủ yếu trên sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường và một số phụ huynh, nhà hảo tâm. Nhờ nguồn quỹ này, Trường THPT Pleiku đã kịp thời mua 11 chiếc điện thoại (2,7 triệu đồng/chiếc) kèm sim hòa mạng để hỗ trợ cho học sinh nghèo, mồ côi, học sinh dân tộc thiểu số khó khăn có phương tiện học tập trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; giúp đỡ 1 học sinh gần 100 triệu đồng kinh phí điều trị do tai nạn giao thông; trao 25 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh vượt khó đến trường; thăm hỏi, tặng quà cho học sinh khó khăn vào mỗi dịp Tết…

“Gần 30 năm gắn bó với nghề, sự trưởng thành và tình cảm của các thế hệ học trò chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Dẫu vậy, tôi vẫn không khỏi trăn trở khi còn nhiều tâm tư của học trò mình chưa thể chạm tới, nhiều hoàn cảnh chưa thể giúp đỡ, đồng hành”-cô Hải bày tỏ.

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm