Thời sự - Bình luận

Ứng xử mùa lễ hội: Đứt gẫy văn hóa hay tâm lí đám đông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sự thiếu hiểu biết, đứt gẫy trong nhận thức về văn hoá truyền thống cùng niềm tin bị đẩy lên thành mê tín sẽ khiến lễ hội trở nên méo mó, biến tướng.


Mỗi một dân tộc đều được hình thành trên một nền văn hoá riêng và lễ hội là những nghi thức được tổ chức nhằm duy trì, tri ân những nét đẹp truyền thống của quá khứ.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có hơn 8000 lễ hội, gồm cả truyền thống, du nhập và lễ hội mới. Cùng với đời sống đi lên, nhu cầu hưởng thụ những giá trị tinh thần của người dân ngày càng phát triển, kéo theo sự khôi phục của nhiều lễ hội, đặc biệt các lễ hội truyền thống mang giá trị văn hóa, tâm linh của từng vùng miền, địa phương riêng biệt. Nhưng sự thiếu hiểu biết, đứt gẫy trong nhận thức về văn hoá truyền thống cùng niềm tin bị đẩy lên thành mê tín sẽ khiến lễ hội trở nên méo mó, biến tướng.

 Lễ hội Phết Hiền Quan năm nay phải tạm dừng vì
Lễ hội Phết Hiền Quan năm nay phải tạm dừng vì "vỡ trận".



Chỉ trong mùa lễ hội xuân Kỷ Hợi năm nay, chúng ta lại chứng kiến những hình ảnh phản cảm, chẳng hạn như trong lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, khi cả trăm nghìn người dự hội cùng lao vào tranh cướp chiếu để cầu con trai. Hay tình trạng tương tự ở lễ hội Phết Hiền Quan (tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vẫn tái diễn nhiều màn tranh cướp bạo lực, giẫm đạp lên nhau để tranh cướp phết. Các thanh niên trai tráng phá rào ùa vào sân tham gia cướp phết, bất chấp nỗ lực ngăn cản của lực lượng chức năng buộc BTC phải thông báo dừng hoàn toàn lễ hội cướp phết trong ngày chính hội ( ngày 13 Tháng Giêng).

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên hội đồng di sản văn hóa Quốc gia nhận định: “BTC lễ hội Phết Hiền Quan cũng như ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực, cẩn thận trong việc duyệt chương trình cũng như theo dõi diễn biến của lễ hội. Tuy nhiên, điều không thể lường được là sự phản ứng và thái độ của rất nhiều thanh niên trong lễ hội. Theo quan niệm củ các cụ ngày xưa, đi lễ hội là đi chơi, các cụ nói là “tả tơi chơi hội” với hàm nghĩa thật sự hòa mình vào lễ hội, nay chữ "tả tơi" đó lại mang tính phản cảm, nghĩa là tranh cướp đến tả tơi" .

GS.TS Nguyễn Chí Bền còn cho rằng, vấn đề ở đây là cần phải xem xét lại bản chất của lễ hội. Ở đây là câu chuyện tâm lí đám đông. Những người không am tường về bản chất việc tranh vật thiêng sẽ đẩy thành tranh cướp. Nhìn ở khía cạnh tín ngưỡng, câu chuyện dường như đã vượt quá “ngưỡng”, không còn là câu chuyện tín ngưỡng mà chuyển sang cuồng tín vật thiêng và giành giật nhau để có vật thiêng.

Đặc biệt, sự thuần khiết của các hoạt động lễ hội ngày càng có nguy cơ mai một vì dường như câu chuyện của một làng lại được đưa ra thành câu chuyện của cộng đồng trong bối cảnh truyền thông đại chúng phát triển như hiện nay. Những nghi lễ truyền thống được khôi phục lại trở thành hủ tục man rợ khi bị lạm dụng như tục chém lợn, hay đâm trâu ở Tây Nguyên gây nhiều bức xúc trong dư luận.

“Người Việt đặc biệt là người trẻ dường như thiếu hiểu biết về văn hoá truyền thống, đặc biệt là văn hoá tín ngưỡng. Những năm qua, chúng ta đã buông lơi việc giúp cộng đồng nhận thức được đúng giá trị của lễ hội, đúng giá trị của tín ngưỡng khiến ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan ngày càng trở nên mong manh hơn. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đề cao vai trò của giáo dục cho cộng đồng hiểu rõ hơn giá trị bản sắc tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng như lễ hội truyền thống Việt Nam để làm sao lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian trở thành hành trang của con người hôm nay không phải gánh nặng” - ông Nguyễn Chí Bền bày tỏ.

Đỗ Hà (VOV2)

Có thể bạn quan tâm