Kinh tế

Tài chính

Ưu đãi tín dụng cho đồng bào thiểu số: Còn nhiều vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khó khăn về nguồn vốn hoặc đã có vốn phân bổ nhưng không thể giải ngân vì vướng quy định, cơ chế là nguyên nhân khiến cho các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chậm triển khai.  

Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Theo quyết định này, có 5 chính sách hỗ trợ gồm: đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và tín dụng ưu đãi. Đây là những chính sách hết sức quan trọng và thiết yếu đối với đồng bào DTTS cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

 

Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T

Riêng chính sách tín dụng ưu đãi thể hiện rất rõ tinh thần tăng cường cho vay, giảm cho không, lấy hộ nghèo làm chuẩn, nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề chủ yếu để bà con có định hướng làm ăn, kiến tạo sinh kế trong tương lai. Do đó, mức cho vay đối với hộ DTTS bằng mức cho vay tối đa của hộ nghèo từng thời kỳ, lãi suất bằng 1/2 lãi suất cho vay hộ nghèo, thời hạn tối đa là 10 năm. Mục đích sử dụng vốn là tạo quỹ đất sản xuất, chuyển đổi nghề hoặc sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 702/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS giai đoạn 2017-2020. Thế nhưng cho đến nay, nguồn vốn ưu đãi để cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg vẫn chưa rót về địa phương mặc dù chương trình này thực hiện theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tương tự, chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ “về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” cũng đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Đối tượng vay vốn là hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và hộ nghèo người Kinh đang sinh sống ổn định tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II, III. “Đối với chương trình này, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam thực hiện cho vay doanh nghiệp trồng rừng. Ngân hàng CSXH Việt Nam thực hiện cho vay hộ gia đình chăn nuôi dưới tán rừng với mục đích là tạo sinh kế cho hộ nghèo sinh sống ở bìa rừng. Riêng năm 2017, chúng tôi được Trung ương phân bổ 10 tỷ đồng dành cho chương trình này nhưng không thể giải ngân được, buộc phải trả lại vốn”-ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết. Theo quy định tại Nghị định số 75/2015/QĐ-CP thì hộ vay vốn phải có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết chủ rừng hiện chỉ ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư, thôn làng chứ không ký với từng hộ. Cũng từ vướng mắc này mà phía ngân hàng không đủ cơ sở để triển khai cho vay dù có sẵn nguồn vốn trong tay.   

Gia Lai có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Trong đó, số hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tới 86,5% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, hộ cận nghèo đồng bào DTTS chiếm 74,44% tổng số hộ cận nghèo. Mặt khác, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta có 168 xã vùng khó khăn. Do đó, nhu cầu vốn tín dụng chính sách trong đồng bào DTTS rất lớn. “Thông qua công tác giám sát việc thực hiện và hiệu quả của các chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đề nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Đối với UBND tỉnh, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc để triển khai cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP”-ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị.

Mặt khác, 2 chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện đã hết thời gian thực hiện, phía ngân hàng đang tiếp tục thu hồi nợ đến hạn. Do vậy, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển nguồn vốn thu hồi sang chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm