Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai... Vấn đề tăng số học sinh cơ học và thiếu hụt trường lớp sẽ tiếp tục tái diễn qua từng năm.
Năm nay, còn chưa đến 1 tháng nữa bước vào năm học mới nhưng một số địa phương báo cáo trường lớp vẫn chưa bảo đảm theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Khó khăn trong xây dựng trường lớp đã không còn lạ lẫm. Vẫn là số lượng học sinh tăng nhanh hơn nỗ lực xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy và học. Nhưng thời điểm hiện nay không còn cho phép biện giải những nguyên nhân trên. Khi đã xác định giáo dục là quyết sách hàng đầu, ưu tiên trước hết thì chỉ còn một cách là tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện các chương trình đầu tư cho giáo dục mà Chính phủ đề ra ở cấp độ quốc gia và từng địa phương. Sự lần lữa trong đầu tư cho giáo dục sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng lớn mà ngay hiện nay chúng ta cũng đã thấy rõ: Chất lượng nguồn lao động còn thấp, năng suất lao động chưa cao, thiếu lao động ở những ngành kinh tế hiện đại, trọng điểm.
Xét về tổng mức đầu tư, Việt Nam có tỉ lệ ngân sách chi cho giáo dục thuộc hàng đầu trong khu vực, khoảng 18% ngân sách quốc gia. Mức đầu tư này đã có tác động tích cực đến toàn xã hội.
Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Học sinh đã được hưởng thụ các chương trình cải cách giáo dục tiên tiến, hiện đại, tiếp cận được với các nền giáo dục tiên tiến của khu vực (trọng tâm là ở các thành phố lớn).
Chư Sê: Tỷ lệ duy trì sĩ số năm học 2022-2023 đạt 99,38%
Gia Lai: Kiểm tra công tác huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số
Những thành tựu trên là đáng trân trọng nhưng giáo dục là vấn đề của toàn xã hội. Nó được đánh giá, cân đo trên bình diện xã hội chứ không thể qua những thành tích của từng địa phương hoặc từng nhóm học sinh. Chúng ta có thể có nhiều nhóm học sinh đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế nhưng cũng có nhiều vùng chưa phổ cập hết THCS.
Ở thành thị có những ngôi trường đại học ngang tầm quốc tế nhưng có những ngôi trường ở vùng sâu còn nền đất mái tranh. Kéo gần khoảng cách về hưởng thụ giáo dục là vấn đề khó khăn mà nhiều năm qua chúng ta chưa giải quyết rốt ráo. Không chỉ là trường lớp mà giáo dục cần hàng loạt vấn đề cần đầu tư đúng mức: hiện đại hóa chương trình học, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy học... Thế nhưng trường lớp là vấn đề đầu tiên mà nếu thiếu thì các vấn đề còn lại khó triển khai được.
Đầu tư xây dựng trường, lớp không quá khả năng của các địa phương. Quan trọng là vấn đề này được ưu tiên thế nào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Hưởng thụ giáo dục là quyền cơ bản nhất của mỗi công dân.
Chúng ta có thể tự hào về nhiều thành tựu của xã hội thì hãy làm nhiều hơn để con trẻ cũng tự hào bước chân đến những ngôi trường khang trang mà không phải gặp bất cứ cản ngại nào.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)