Kinh tế

Nông nghiệp

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã dành nhiều chính sách và nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo

Năm 2021, gia đình ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku, huyện Kbang) được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nuôi ốc bươu đen mà gia đình ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku, huyện Kbang) có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: P.N

Nhờ nuôi ốc bươu đen mà gia đình ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku, huyện Kbang) có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: P.N

Theo ông Nghĩa, khi tham gia mô hình, ông được hỗ trợ con giống và 30 triệu đồng để đào ao nuôi ốc. Sau 6 tháng nuôi, gia đình đã có sản phẩm bán ra thị trường. Bên cạnh việc bán ốc thương phẩm, ông còn ấp trứng ốc để chủ động nguồn giống và cung ứng con giống cho các hộ dân có nhu cầu. “Ốc bươu đen sinh trưởng rất nhanh, lại dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp. Thức ăn cho ốc gồm: củ, quả và các loại lá cây trong vườn. Sau khi nuôi được 6 tháng, ốc có trọng lượng bình quân 25-30 con/kg, giá bán 60-75 ngàn đồng/kg và nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả cao, tôi tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi. Hiện gia đình có 2.500 m2 ao nuôi ốc, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Nghĩa chia sẻ.

Ngồi trong căn nhà mới khang trang, chị Tran (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) kể: Trước đây, cuộc sống của gia đình chị phụ thuộc vào 1,5 sào ruộng lúa và 1,2 sào cà phê nên vô cùng khó khăn. Năm 2019, gia đình được Hội Liên hiệp phụ nữ xã giới thiệu vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Chị đầu tư mua 4 con heo nái về nuôi, nhân giống thành heo thịt. Nhờ chăm sóc tốt, đàn heo lớn nhanh, mỗi lần xuất chuồng đều có lãi. Đến năm 2022, chị không những trả hết nợ ngân hàng mà còn mua thêm được 2 sào đất để trồng cà phê. Vừa qua, được xã hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay thêm 50 triệu đồng nên gia đình chị đã xây được nhà mới khang trang.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã A Dơk-cho biết: Trong năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 6,1 tỷ đồng, xã đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án như: hỗ trợ xây nhà ở, trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề… nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Đến nay, xã còn 426 hộ nghèo, giảm 74 hộ so với năm 2022.

Hướng đến thoát nghèo bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa, những năm qua, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống người dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả. Nếu như năm 2022, toàn huyện có 3.287 hộ nghèo (chiếm 10,44%) thì đến nay giảm còn 2.622 hộ (chiếm 8,26%).

“Thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, chỉ đạo các xã, đơn vị liên quan thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững”-bà Nga thông tin.

Nhờ được chăm sóc tốt mà đàn heo thịt của gia đình chị Tran (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) lớn nhanh, không bệnh tật, mỗi lần xuất chuồng đều có lãi. Ảnh: Phạm Ngọc

Nhờ được chăm sóc tốt mà đàn heo thịt của gia đình chị Tran (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) lớn nhanh, không bệnh tật, mỗi lần xuất chuồng đều có lãi. Ảnh: Phạm Ngọc

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo, trong đó có 34.387 hộ nghèo người dân tộc thiểu số (chiếm 21,26%) và 37.253 hộ cận nghèo, trong đó có 28.565 hộ dân tộc thiểu số (chiếm 17,66%). Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Thời gian qua, Sở phối hợp với các ngành, địa phương triển khai một số mô hình giảm nghèo, tạo sinh kế giúp người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, các hộ nâng cao thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững.

“Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2023 và các năm tiếp theo, Sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo. Trong đó, tập trung giúp người dân tiếp cận vốn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án, mô hình phù hợp nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ được thụ hưởng, gắn với thế mạnh của địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, tập trung phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng như khả năng thoát nghèo của các hộ để xác định chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm