Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri Kbang về cho thuê rừng trồng dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang về cho thuê rừng trồng dược liệu và nâng mức hỗ trợ chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

*Kiến nghị của cử tri huyện Kbang:

Đề nghị UBND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế hoặc kiến nghị Trung ương để các doanh nghiệp thuê rừng trồng dược liệu tại địa phương góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu quý.

Người dân Kbang phát triển kinh tế nhờ trồng dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh

Người dân Kbang phát triển kinh tế nhờ trồng dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh

-Trả lời:

Việc thuê rừng tự nhiên nói chung thực hiện theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất; việc thuê rừng cần đảm bảo nguyên tắc, căn cứ theo quy định Điều 14, 15 Luật Lâm nghiệp và phải được đưa vào kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Việc thuê môi trường rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng: Theo quy định tại Điều 53, Điều 56, Điều 60 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và khoản 7, 8 Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-4-2024) sửa đổi, bổ sung Điều 53 và Điều 56 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo đó, tổ chức cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng, phát triển cây dược liệu, hoạt động nuôi, trồng, phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất thực hiện theo quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ, trong đó có nội dung về rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về nuôi, trồng, phát triển cây dược liệu trong rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng.

Sau khi nghị định này được ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể.

*Kiến nghị của cử tri huyện Kbang:

Đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi nâng mức hỗ trợ tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 98/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 124/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2020 của HĐND tỉnh). Bởi hiện nay, mức chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung đối với học viên là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố và hình thức tổ chức tương đương khác được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 50.000 đồng/người/ngày, trong khi đó mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố còn thấp.

*Trả lời:

Tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 98/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai (sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 124/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2020 của HĐND tỉnh), quy định: “Mức chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung đối với học viên là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố và hình thức tổ chức tương đương khác được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 50.000 đồng/người/ngày. Các cơ quan, đơn vị cử đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ”.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị UBND huyện Kbang rà soát kiến nghị cử tri, hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đúng quy định. Việc nâng mức hỗ trợ, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu và cân đối khả năng ngân sách để trình HĐND tỉnh quyết định trong thời gian thích hợp.

Có thể bạn quan tâm