Thời sự - Bình luận

"Vắc-xin" an sinh nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đói nghèo, tệ nạn, khủng hoảng tâm lý, kể cả bạo động đã xảy ra ở các vùng quê, khu lao động nghèo của nhiều nước trên thế giới do Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh bần cùng.

Việt Nam nằm trong số những nước kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đồng tình hợp sức của người dân trong chủ trương chống dịch của chính quyền. Nhưng với điều kiện của một quốc gia đang phát triển, cái khó của người dân cũng vì thế tăng lên gấp bội, khi một mặt tuân thủ và hợp sức với Chính phủ trong việc chống dịch, một mặt phải tự xoay xở mưu sinh. Các chương trình hỗ trợ tự nguyện trong cộng đồng, gói trợ cấp của Chính phủ triển khai trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên năm 2020 đã góp phần giúp người dân vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa động viên chia sẻ, các chương trình này chưa thể làm nhẹ gánh áo cơm với những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.

Mới đây, một báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, thu nhập của người dân nói chung giảm 2%. Một vấn đề rất đáng quan tâm trong báo cáo này là khoảng cách, sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất trong xã hội đang gia tăng. Cụ thể, người thành thị có thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,6 lần so với thu nhập bình quân của người ở nông thôn; nhóm giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng (chiếm 20% dân số), cao gấp 8 lần so với nhóm nghèo nhất (1,13 triệu đồng, chiếm 20% dân số).

Trước đó, một thống kê khác cũng cho thấy Covid-19 đã đẩy 1,3 triệu người Việt Nam, đa phần trong độ tuổi lao động, vào tình trạng mất việc. Các chuyên gia đánh giá đây là con số lớn nhất trong một thập kỷ qua.

Nhìn vào một số hiện tượng thực tế có thể thấy việc kinh doanh, dịch vụ, sản xuất gián đoạn do đại dịch, nhiều doanh nghiệp ở đô thị phá sản, đóng cửa đã dẫn đến việc người lao động, làm thuê nhập cư bỏ thành phố trở về nông thôn.

Sự dịch chuyển ồ ạt và đột ngột sẽ tạo ra những áp lực lớn cho đời sống dân sinh của những vùng nông thôn khi hệ thống phúc lợi, những trang bị an sinh chưa kịp đáp ứng đòi hỏi thực tế. Chưa nói, khi bối cảnh đại dịch đang tác động tới thị trường sức mua và xuất khẩu nông sản thì cuộc sống ở các vùng nông thôn cũng không dễ dàng. Sự khủng hoảng tâm lý bởi thất nghiệp, áp lực vật chất ngày càng khó khăn... sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội là rất lớn.

Mục tiêu kép của Chính phủ là giữ cân bằng giữa chống dịch và ổn định kinh tế có ý nghĩa và hiệu quả khá rõ ràng. Nhưng từ chỉ số bất bình đẳng trong thu nhập, từ các nguy cơ có thể thấy trước với nhóm thu nhập thấp và dễ tổn thương thì thiết nghĩ, rất cần đến một kịch bản ưu tiên ngắn hạn và uyển chuyển - một thứ "vắc-xin an sinh phúc lợi" - từ các chính sách tháo gỡ khó khăn cho mỗi vùng nông thôn trong khi chờ dịch bệnh đi qua và kinh tế chung phục hồi.

 

Theo NGUYỄN TƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm