Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Văn hóa bản địa “bắt mạch” đời sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai đang đứng trước cơ hội vươn xa, biến thành nguồn lực kinh tế. Sản phẩm từ buôn làng không những được duy trì mà còn có sức tiêu thụ mạnh mẽ hơn trước, không gian văn hóa từ đó cũng “bắt mạch” vào đời sống, tạo sinh kế cho người dân.

Sinh kế từ nghề truyền thống

Nghệ nhân Đinh Thị Hiền (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tham gia các hoạt động trong “Không gian thổ cẩm” diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây là nơi giới thiệu kiến thức về nghề truyền thống như đan lát, dệt vải; đồng thời, trưng bày các sản phẩm mang tính ứng dụng vào đời sống.

Ngoài khung dệt vải và các sản phẩm từ thổ cẩm, nữ nghệ nhân còn mang theo 1 chiếc gùi đựng đồ. Chiếc gùi là sản phẩm do chồng bà-Nghệ nhân Ưu tú Đinh Bi làm ra. Sản phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật lẫn kỹ thuật và lọt vào “mắt xanh” của nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm-người sở hữu bảo tàng dân tộc học tư nhân với hơn 30 ngàn hiện vật tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ mua chiếc gùi với giá 1,5 triệu đồng, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm còn xin thông tin người đan gùi và cho biết, ông sẽ sớm quay trở lại nhà nghệ nhân cùng những người bạn Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm hiểu thêm.

Thổ cẩm ngày càng được ứng dụng rộng rãi, hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Ảnh: Minh Châu

Thổ cẩm ngày càng được ứng dụng rộng rãi, hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Ảnh: Minh Châu

Theo nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm, các sản phẩm dệt của nghệ nhân Đinh Thị Hiền đạt đến trình độ cao với những hoa văn cổ rất khó tạo tác trên mặt vải. Sản phẩm của nữ nghệ nhân có giá thấp nhất từ 1 triệu đồng, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung các sản phẩm cùng loại.

Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm cho hay: “Ngoài chiếc gùi rất có giá trị mà tôi đưa về bộ sưu tập, đáng quý hơn là người đan gùi vẫn đang thực hành nghề tại buôn làng. Những con người biết đan gùi, tạo hoa văn cổ như vậy ngày nay hiếm quý ở các tỉnh Tây Nguyên. Tôi sẽ kết nối để đưa những khách hàng đến nhà nghệ nhân Đinh Bi và Đinh Thị Hiền trong thời gian sớm nhất. Những sản phẩm đạt trình độ cao như vậy rất phù hợp với thị hiếu khách nước ngoài. Họ rất tôn trọng nghề thủ công và cả con người làm ra sản phẩm đó. Do đó, ở thang giá trị nào, thổ cẩm cũng sẽ tìm được thị trường. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách quảng bá để tiếp cận đa dạng khách hàng”.

Trong khi đó, nghệ nhân Pel-Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dệt làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: Trong 2 ngày tham gia “Không gian thổ cẩm”, quầy hàng của CLB đã bán được gần 30 chiếc túi xách, ví cầm tay, ba lô, tấm vải kích thước đủ may 1 bộ trang phục… Đây cũng là lần đầu tiên CLB bán được nhiều mặt hàng như vậy khi tham gia một sự kiện giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống.

Nữ nghệ nhân cho biết: “Gần 2 năm CLB đi vào hoạt động, kinh nghiệm chúng tôi rút ra là tạo ra sản phẩm phong phú, có tính ứng dụng, nhưng giá vừa phải thì mới tiếp cận số đông khách hàng. Sau sự kiện vừa rồi, chị em rất phấn khởi khi sản phẩm tiêu thụ đáng kể. Điều đó kích thích họ gắn bó với nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa, vừa có thêm sinh kế. Chúng tôi vẫn dệt những sản phẩm chất lượng cao khi có khách đặt hàng, mức giá cao gấp đôi, gấp ba. Tìm được hướng đi cho sản phẩm dệt của CLB, tôi thấy rất lạc quan”.

Đưa không gian văn hóa vào tiệc cưới

Giữa tháng 10 vừa qua, một tiệc cưới mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên diễn ra tại Nhà hàng Century (TP. Pleiku). Cô dâu, chú rể không phải người Gia Lai nhưng bị văn hóa Tây Nguyên mê hoặc nên quyết định tổ chức tiệc cưới mang màu sắc văn hóa của vùng đất sử thi.

Một đám cưới mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên diễn ra tại Nhà hàng Century (TP. Pleiku). Ảnh: NVCC

Một đám cưới mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên diễn ra tại Nhà hàng Century (TP. Pleiku). Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Hoàng Nam-người dẫn dắt và xây dựng kịch bản lễ cưới đặc biệt này chia sẻ: Lễ cưới được anh xây dựng thành 3 chương. Chương 1 mang chủ đề “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên”, đón khách mời của cô dâu, chú rể từ sảnh, có màn hòa tấu của dàn cồng chiêng cùng nhạc cụ tre nứa. Khách được hướng dẫn trải nghiệm giã gạo, đi cà kheo, dệt vải, thưởng thức ẩm thực với các món khoai mì nướng, bắp nướng gói trong lá chuối, bò một nắng đặt trên mẹt tre. Trong không gian tiệc cưới còn có những nghệ nhân trong trang phục thổ cẩm đẹp nhất ngồi dệt vải phục vụ khách tham quan, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản vật của Tây Nguyên.

Chương 2 có chủ đề “Pơkôl bơnai rơkơi” (tiếng Jrai có nghĩa là cưới, đám cưới). Nghi thức cắt bánh ngọt, khui sâm panh được thay bằng khai rượu ghè. Cô dâu, chú rể mặc trang phục thổ cẩm cùng xoang, múa hát với đoàn nghệ nhân.

Chương 3 có chủ đề “Đêm hội làng”, các vị khách mời mặc trang phục Tây Nguyên và cùng múa hát. MC giao lưu với khách mời, đố vui những câu hỏi về văn hóa, đám cưới của người Tây Nguyên, quà tặng là những quả bầu khô đựng nước.

MC Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ: “Đó là một đám cưới tràn đầy cung bậc cảm xúc với rất nhiều nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc. Từ trước tới nay chưa ai nghĩ sẽ đưa không gian văn hóa Tây Nguyên vào tiệc cưới hiện đại như vậy. Điều đó cho thấy các giá trị văn hóa không chỉ được nhìn ngắm, nghe kể mà người ta còn muốn chạm vào, trải nghiệm. Tôi cho rằng, không chỉ đưa vào tiệc cưới mà văn hóa của người Bahnar, Jrai còn có thể đưa vào nhiều sự kiện khác. Vẻ đẹp và sự hấp dẫn của văn hóa là nhu cầu có thật của đời sống hiện nay. Các nghệ nhân của xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) và TP. Pleiku đã giúp chúng tôi thực hiện lễ cưới một cách trọn vẹn và tròn đầy cảm xúc. Tôi tin cách làm này sẽ giúp bà con ý thức rất cao về việc trân quý, giữ gìn bản sắc văn hóa, biến chúng thành sản phẩm trải nghiệm giá trị, đặc sắc, mang lại sự tươi mới trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân”.

Có thể bạn quan tâm