Văn hóa

Trình diễn “Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên”: Tôn vinh di sản văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sự kiện trình diễn “Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên” diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vừa qua đã để lại dấu ấn khó quên khi có sự kết hợp giữa 2 di sản văn hóa: áo dài và thổ cẩm. “Tuần lễ áo dài” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động là nguồn cảm hứng để phụ nữ sáng tạo, tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt gắn với di sản văn hóa Tây Nguyên.

Hoa văn và chất liệu thổ cẩm của các dân tộc Bahnar, Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng… được biến hóa huyền ảo trong 40 mẫu thiết kế áo dài. Sự kết hợp độc đáo giữa 2 di sản văn hóa trên trang phục được các gương mặt đại diện cho phụ nữ Gia Lai trình diễn, giới thiệu đến người dân và công chúng trong đêm “Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên”.

Sắc màu thổ cẩm trên áo dài dân tộc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sắc màu thổ cẩm trên áo dài dân tộc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Áo dài và thổ cẩm đều mang bản sắc văn hóa với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Do đó, sự kết hợp giữa áo dài và thổ cẩm không chỉ mang đến những cảm xúc mới mẻ, mà còn tôn vinh bản sắc văn hóa, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân Tây Nguyên trong gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề dệt truyền thống.

Được trao danh hiệu “Trang phục áo dài thổ cẩm đặc sắc nhất”, chị Đinh Thị Oai (huyện Kbang) chia sẻ: “Mặc áo dài họa tiết, hoa văn đặc trưng của thổ cẩm dân tộc Bahnar trình diễn trước đông đảo mọi người, tôi vô cùng tự hào. Tôi thật sự bất ngờ khi được trao danh hiệu này vì chị em khác đều trình diễn những bộ áo dài thổ cẩm rất đẹp và đặc sắc”.

Gắn bó với ngành thời trang, chị Oai cho biết thêm, thổ cẩm của người Bahnar huyện Kbang được dệt hoàn toàn thủ công, không mềm mại như một số chất liệu khác. Nhưng khi kết hợp trên tà áo thì thổ cẩm được tôn vinh, tỏa sáng.

“Vài năm gần đây, tôi thấy thổ cẩm được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang, từ trang phục đời thường lẫn trên sân khấu. Đây là lần đầu tiên có một cuộc trình diễn áo dài thổ cẩm để tôn vinh bản sắc văn hóa của trang phục dân tộc lẫn thổ cẩm Tây Nguyên. Điều đó càng khích lệ tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo để gìn giữ và phát triển thổ cẩm Bahnar-di sản văn hóa cha ông để lại”-chị Oai cho biết.

Là thành viên Ban tổ chức chương trình trình diễn áo dài, bà Nguyễn Thị Lệ (nhà may Trúc Lệ, 30 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng trước vẻ đẹp của thổ cẩm Tây Nguyên. Khi kết hợp với áo dài truyền thống, thổ cẩm không còn mang tính địa phương, của riêng một cộng đồng mà hòa hợp tự nhiên vào đời sống văn hóa tinh thần.

Áo dài thổ cẩm là sự kết hợp giữa tính dân tộc và biểu tượng văn hóa Việt Nam nên có thể ứng dụng rộng rãi để giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Chất liệu thổ cẩm khó may áo dài vì thiếu độ mềm, độ rũ để thể hiện nét nữ tính và sự mềm mại riêng có của phụ nữ, nhưng ta hoàn toàn có thể ứng dụng họa tiết, hoa văn thổ cẩm trên nền những chất liệu khác nhau để thiết kế các kiểu dáng trang phục”.

40 thiết kế áo dài thổ cẩm được phụ nữ Gia Lai trình diễn, giới thiệu. Ảnh: Hoàng Ngọc

40 thiết kế áo dài thổ cẩm được phụ nữ Gia Lai trình diễn, giới thiệu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bà Lệ cũng cho rằng, hoạt động trình diễn “Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên” không chỉ tạo ra sân chơi trong dịp 8-3, mà từ sự kiện này góp phần “mở đường” cho sự phát triển của thổ cẩm Tây Nguyên.

“Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa ở chỗ vừa tôn vinh bản sắc văn hóa Tây Nguyên, vừa tạo nên sự chú ý với các nhà thiết kế thời trang, nhà sản xuất trong ngành dệt may. Họ đưa họa tiết, hoa văn vào sản phẩm dệt may và như vậy, những giá trị đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên có cơ hội vươn xa, được quảng bá rộng rãi hơn”-bà Lệ bày tỏ.

Thổ cẩm là tinh hoa của nghề dệt truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Mỗi tấm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật bởi tính độc bản, độc đáo và ghi dấu ấn cá nhân của nghệ nhân tài hoa. Khi kết hợp với áo dài-di sản văn hóa Việt Nam, thổ cẩm càng nổi bật với vẻ đẹp riêng có.

“Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên” góp phần “mở đường” cho sự phát triển của thổ cẩm Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Áo dài Việt-Hương sắc Tây Nguyên” góp phần “mở đường” cho sự phát triển của thổ cẩm Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai” chia sẻ: “Thật vui mừng khi hoa văn, họa tiết thổ cẩm truyền thống của 2 dân tộc Bahnar, Jrai của tỉnh đã được ứng dụng trang trí mạnh mẽ trên nền áo dài truyền thống. Vẻ đẹp của những hoa văn và màu sắc thổ cẩm thực sự tạo được hiệu ứng thẩm mỹ và giá trị tuyên truyền trực quan rõ nét đối với công chúng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng những ứng dụng như vậy không chỉ dừng lại trên trang phục áo dài.

Tôi từng đề xuất cần mạnh mẽ sử dụng hoa văn, họa tiết Tây Nguyên vào các trang trí khác của đời sống như: trang phục công sở, trang trí công sở, quà lưu niệm, trang trí cổ động trực quan qua hệ thống pa nô, biển/bảng quảng cáo, quảng bá các sự kiện các cấp… Như thế, hoa văn, họa tiết đẹp mới được biết đến, được trao truyền, phát triển trong nhịp sống hiện đại hôm nay”.

Có thể bạn quan tâm