(GLO)- Sau năm 1975, tôi về Huế và hết sức ngạc nhiên khi thấy ở đó có những cái thùng rác mà bên ngoài có dòng chữ rất... hạ cố: “Xin cho tôi rác”. Trước đấy, ở các nơi khác, tôi toàn thấy mệnh lệnh: “Hãy bỏ rác vào đây”.
Năm 1981, lên Pleiku nhận công tác, tôi thấy rất nhiều bức tường có các câu khẩu hiệu “Sức khỏe quý hơn vàng-sạch làng tốt ruộng”. Là cử nhân văn chương, tôi cứ băn khoăn mãi: 2 mệnh đề có liên quan gì với nhau đâu mà lại đồng hành trong một câu khẩu hiệu trống không như thế. Chưa biết hỏi ai thì tôi nhận công việc đầu tiên trong đời công chức do Phó phòng giao: Đi in 30 ngàn bản khẩu hiệu, chữ đỏ trên giấy nâu, loại giấy thịnh hành thời ấy. Nội dung: “Cơ quan tôi không tiếp người quần loe tóc dài”. Tôi tưởng ông này giễu mình vì tôi lúc ấy cũng... quần loe tóc dài nên không dám hỏi lại câu gì, len lén đi lùi rồi sang nhà in đặt in. In xong mang đi phát cho tất cả các cơ quan trong tỉnh. Các cơ quan đều rất hồ hởi phấn khởi đi khuấy hồ rồi dán la liệt từ cổng cho tới các phòng. Có lần Trưởng ty của tôi, người chịu trách nhiệm cao nhất của cái cơ quan phát ra câu khẩu hiệu cả tỉnh treo ấy, nheo mắt nhìn tôi rồi cười: “Quần loe tóc dài nó là mốt, mấy hôm nó lại thay ấy mà, có phải đạo đức đâu”.
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: internet |
Cái thời ấy, mọi thứ gần như là mệnh lệnh, vào cơ quan ngoài câu khẩu hiệu ấy đập vào mắt thì còn mệnh lệnh “Tắt máy xuống xe xuất trình giấy tờ” dù cơ quan ấy lập ra là để phục vụ.
Nhưng giờ thì khác nhiều rồi, tất cả được mềm hóa đi, đều để phục vụ con người, đề cao con người. Mệnh lệnh được thay bằng xin mời, xin được phục vụ, xin cảm ơn, xin lỗi...
Tỉnh ta đang xúc tiến du lịch, đang lấy du lịch làm trọng tâm để phát triển nên cái sự coi khách, coi dân... là Thượng đế càng phải được phát huy, được đặt lên hàng đầu. Nhưng không phải ở đâu, lúc nào việc ấy cũng được thể hiện.
Khách đến Pleiku có an tâm không khi chỉ một đoạn ngắn chừng 50 m trên đường Anh hùng Núp cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết, phía bên sân đậu xe ấy, có đến 5 cái biển nền đỏ chữ vàng nổi bần bật: “Chú ý mất cắp”. Ở đây thường xuyên mất xe máy”... Đành rằng ai cũng biết, một là nhắc nhở du khách và hai là kết hợp “dọa” để khách vào bãi giữ xe thu phí. Nhưng rõ ràng nó gây ra tâm trạng bất an cho khách khi đến tham quan.
Một hôm, sáng sớm, bạn tôi, đi cùng một đoàn khách từ Hà Nội vào, điện cho tôi: “Tôi đang đứng ở Quảng trường, vừa nghe xong mười mấy đoạn nội quy Quảng trường. Nhẽ đứng tí nữa, nhưng nghe tua lại lần 2 nội quy ấy thì... tôi về đây, trả phòng lên Kon Tum, chào ông, hẹn khi quay lại để bay, nếu kịp thì cà phê với nhau”.
Và quả là, tôi thấy cái nội quy thường xuyên được Ban Quản lý Quảng trường phát vô tội vạ cũng... phản cảm thật. Ấy là một giọng nam rất khê, đọc rất gằn và oang oang, cái nội quy mười mấy điều, toàn từ nghiêm cấm tới cấm, rất nặng nề, những việc nếu có thể hạ tông thì nó trở thành rất dễ thương. Ví dụ hệ thống loa rất nhẹ, như là phát ra từ đâu đấy, dưới cỏ, dưới hoa, giọng như hơi thở, vừa nghe: Cảm ơn quý khách đã đến tham quan Quảng trường, chúng tôi rất vui nếu quý khách cùng chúng tôi giữ gìn vệ sinh Quảng trường. Chúng tôi có nhà vệ sinh phục vụ quý khách ở chỗ ấy chỗ ấy, có hệ thống giỏ đựng rác để quý khách tiện cùng chúng tôi bảo vệ môi trường... Là tôi ví dụ thế chứ chưa chắc đã cần đến thế, bởi xung quanh Quảng trường hiện nay có lực lượng bảo vệ đông đảo, từ Công an bảo vệ phía tượng đài đến bảo vệ từng tốp đi tuần phía dưới, rồi công nhân vệ sinh... họ thừa sức nhắc nhở ai vi phạm nội quy một cách lịch sự, ai cố tình vi phạm thì xử phạt. Đi các công viên nước ngoài, chả thấy loa liếc gì, mà cứ răm rắp sạch, răm rắp tuân thủ.
Hồi Hội sách Gia Lai lần thứ 2 tổ chức ở đây cũng có chuyện không vui. Lần thứ nhất thì các nhà sách có bày thêm các bàn để bán cà phê và nước giải khát. Nhưng lần 2, họp Ban tổ chức, Trưởng ban Quản lý Quảng trường tuyên bố thẳng: “Công văn Ủy ban chỉ cho bán sách, ai bán nước giải khát là tôi cho bảo vệ tịch thu”. Dùng dằng mãi mà cuối cùng phải... thua ông này, dù ai cũng biết nó vô lý. Hội chợ sách, bán sách, tuy là bán mua nhưng nó khác bán thịt, cá, rau muống tương cà... bởi nó là văn hóa. Việc lâu nay người ta mở các cà phê sách là một việc gắn kết hết sức hữu cơ. Cà phê lúc này nó không còn là cà phê mà nó là văn hóa. Người ta đến hội sách để ngắm sách, ngắm người yêu sách, ngắm không khí sách, rồi mới mua sách. Và để ngắm thì phải có không gian. Không gian ấy chính là các bàn cà phê xen kẽ hội sách, khéo léo tham gia vào không khí sách... Chưa kể rất đông người ở huyện ra, chả lẽ lại mỗi người xách theo chai nước vì nhu cầu uống nước của họ khi rong ruổi trên đường cả ngày là có thật. Ông Trưởng ban tổ chức hội sách là Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông đã khéo léo “chữa cháy” bằng cách mời một anh trà đạo đến... trà trộn vào hội sách, vừa phục vụ anh này vừa... mắt trước mắt sau sợ Ban Quản lý Quảng trường phát hiện.
Làm du lịch nói riêng, văn hóa nói chung, ngoài cái tâm còn cần cái tầm và phải nhớ mình là người phục vụ chứ không phải ra mệnh lệnh. Không ai bỏ tiền ra để bị... chỉ huy cả, để mang cái bực mình về cả.
Văn Công Hùng