Văn hóa

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng ta phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

logo-van-hoa-va-phat-trien.jpg

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp lớn; trong đó có vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa. Từ số báo ngày 3-1, Gia Lai Cuối tuần mở chuyên mục “Văn hóa và phát triển”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Kế thừa Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, quan điểm của Đảng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được đặt trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Quan điểm thể hiện nhận thức mới trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới. Và đặc biệt, gắn với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Trong điều kiện đất nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xác định xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thống nhất ở tầm văn kiện đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình củng cố, bổ sung các giá trị văn hóa, phát triển nhân cách con người Việt Nam.

Hệ giá trị văn hóa hướng đến bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức con người phù hợp thời kỳ mới, trọng tâm là đức, trí, thể, mỹ, tạo nền tảng vững chắc, xác lập động lực tinh thần, phát huy sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với xây dựng hệ giá trị nói chung, tăng cường giáo dục con người Việt Nam thời kỳ mới, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, tư duy sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số và các giá trị cốt lõi; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vừa bảo đảm thúc đẩy văn hóa phát triển, vừa góp phần giáo dục, rèn luyện con người.

Xử lý đúng đắn quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

Nền văn hóa Việt Nam, các giá trị văn hóa tốt đẹp của Gia Lai đã được hun đúc, xây dựng và bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không ít tập quán, lối sống tùy tiện, bất chấp đạo đức và pháp luật vẫn còn tồn tại, bên cạnh tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm cho đạo đức xã hội xuống cấp. Tâm lý tôn sùng đồng tiền, hưởng thụ vật chất, thói háo danh, đam mê quyền lực dẫn đến những nguy hại khó lường.

Nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không kể trước đây, chúng ta đã có 50 năm sống trong hòa bình, xây dựng, phát triển và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam là quốc gia ý thức đầy đủ sức mạnh của văn hóa, truyền thống và giá trị của hòa bình.

Ngoài những thành tố có tính bắt buộc thì văn hóa là cái còn lại cuối cùng của một đất nước, một dân tộc; cái không bị đồng hóa, đánh mất. Trong một thế giới đầy biến động và bất ổn, Việt Nam được cho là biểu tượng của hòa bình, niềm tin chân lý, sự chia sẻ yêu thương, quốc gia đi đầu trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Ở phương diện hẹp khi xem văn hóa là cách ứng xử của con người đối với con người, thiên nhiên và tạo vật, chúng ta cũng không thiếu những ví dụ điển hình cho cách hành xử đẹp của con người Việt Nam.

Ngay tại những đô thị lớn, với nhịp sống gấp gáp, khẩn trương, con người dễ dàng “đi lướt qua nhau” nhưng đâu hiếm những câu chuyện đẹp, những việc làm hay làm ấm lòng trái tim bao người.

Những thông tin trên truyền thông, báo chí, mạng xã hội về Công Giáp Vlogs-Cuộc sống ở châu Phi, Quang Dũng Vlogs-Cuộc sống ở châu Phi, Quang Linh Vlogs và Team châu Phi ở Angola… thực sự biến họ thành những đại sứ tử tế không chỉ với nước sở tại mà còn với toàn cầu, khi tận tình huy động, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sạch, xây dựng trường học… Những hình ảnh đó làm lay động bao người, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực, với tình yêu thương và sự sẻ chia gan ruột.

Tương tự, hình ảnh những chiến sĩ Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng để lại niềm cảm phục và yêu mến nơi họ làm nhiệm vụ với đầy rẫy khó khăn, nguy hiểm, bất ổn.

Với sứ mệnh của mình, đạo đức và pháp luật là 2 thành tố cực kỳ quan trọng trong xây dựng xã hội văn hóa, lối sống văn hóa. Phải làm cho cả xã hội thấy rằng sống có văn hóa quan trọng và quan trọng hơn gấp nhiều lần kinh tế và vật chất. Văn hóa phải được tôn trọng, phải là chuẩn mực xã hội và với con người trong cuộc sống hôm nay.

Có thể bạn quan tâm