Bạn đọc

Vấn nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, vấn nạn này rất khó để ngăn chặn triệt để.

Trẻ con làm mẹ... trẻ con

Theo chỉ dẫn của ông Rơ Châm Uếu-Phó Trưởng thôn Mít Kom 2 (xã Ia O, huyện Ia Grai), chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng Puih Psúi (SN 2008) và Rơ Lan Khíu (SN 2004). Cả hai đều đi làm rẫy, chỉ có ông Ksor Xoan-bố Psúi ở nhà. Nghe hỏi chuyện con gái, ông Xoan buồn rầu kể lại: “Đứa con thứ 2 của vợ chồng nó mới chết cách đây khoảng hơn 1 tuần. Vợ chồng nó buồn không muốn gặp ai”. Theo lời ông Xoan, năm nay, Psúi mới bước qua tuổi 15 nhưng đã trải qua 2 lần sinh nở. Sau khi sinh không lâu, cả 2 đứa trẻ đều yểu mệnh. “Học hết lớp 7, Psúi đòi nghỉ học bắt chồng. Mình không chịu nhưng rồi nó có thai nên phải cho về ở chung từ năm 2021”-ông Xoan kể.

Vợ chồng Siu Aring và Kpuih Hân. Ảnh: Yến Dung

Vợ chồng Siu Aring và Kpuih Hân. Ảnh: Yến Dung

Cách nhà ông Xoan 200 m là nơi ở của vợ chồng Ksor Thuế và Ksor Lược (cùng SN 2008), lấy nhau năm 2021. Thuế là chị cả, sau còn 2 em. Khi Thuế sinh con đầu lòng, em út mới 3 tháng tuổi, còn mẹ mới qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. “Ngôi nhà do Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15) xây cho gia đình, bố để lại cho vợ chồng em ở. Con còn nhỏ nên vợ ở nhà chăm sóc, em theo bố ai thuê gì làm nấy. Nhiều lúc con đau không có tiền mua thuốc, tụi em lại phải qua xin bố. Giờ em chỉ mong đủ tuổi để xin vào làm công nhân, có việc làm, có thu nhập lo cho vợ con”-Lược nói.

Theo Phó Trưởng thôn Mít Kom 2: Từ năm 2022 đến nay, làng có 4 cặp tảo hôn. Phần lớn các cháu “bắt chồng” từ làng khác về sống chung và phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ. Các gia đình này vốn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giờ phải lo thêm cho con cháu nên cuộc sống càng thêm khó khăn.

Siu Aring (SN 2007) và Kpuih Hân (SN 2006) cư trú tại làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Để gia đình không ngăn cản chuyện kết hôn, Siu Aring và Kpuih Hân chọn cách có thai trước. Hân cho biết: “Từ năm 2020, mình đã qua ở bên nhà vợ nhưng chính thức cưới và ở rể là cuối năm 2022. Ban đầu, bố mẹ cũng không đồng ý nhưng thấy 2 đứa thương nhau, lại có con rồi nên cũng cho cưới”. Ôm con nhỏ mới 3 tháng tuổi ngồi cạnh chồng, Aring ngập ngừng nói: “Lúc trước, tụi em chỉ nghĩ yêu là cưới! Giờ có con, em lại không có sữa, con thì gầy yếu, quấy khóc suốt, em không biết làm sao. Bố mẹ lớn tuổi vẫn phải đi làm nuôi cả nhà, nuôi thêm cả cháu”.

Bà Phạm Ngọc Bích-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Băng-cho biết: “Theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, làng. Hội cũng đã thành lập 3 Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống” nhằm lan tỏa mô hình gia đình tiến bộ đến cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả công tác vận động, phòng-chống tảo hôn vẫn chưa cao. Hầu hết các làng vẫn còn tình trạng này”.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 952 cặp tảo hôn (tăng 72 cặp so với năm 2021), không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, 939 trường hợp tảo hôn là người dân tộc thiểu số. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn, bởi nhiều gia đình không khai báo.

Giải pháp nào?

Năm 2021, huyện Ia Grai có 65 cặp tảo hôn; năm 2022 là 127 cặp. Theo ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Dân tộc huyện, nguyên nhân là do phong tục tập quán và trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế nên chưa hiểu hết hậu quả, tác hại của tảo hôn. Địa bàn rộng, lực lượng tuyên truyền mỏng; công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn ở một số địa phương chưa thường xuyên và quan tâm chưa đúng mức. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi vi phạm; việc quản lý đăng ký kết hôn của một số nơi chưa chặt chẽ; công tác vận động, thuyết phục các cặp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật còn lúng túng.

Trưởng thôn Puih Rih (thứ 2 từ trái qua) và Rơ Châm Uếu-Phó Trưởng thôn (thứ nhất bìa trái) làng Mít Kom 2, xã Ia O trao đổi với vợ chồng Ksor Thuế và Ksor Lược về hệ lụy của việc kết hôn sớm. Ảnh: Yến Dung

Trưởng thôn Puih Rih (thứ 2 từ trái qua) và Rơ Châm Uếu-Phó Trưởng thôn (thứ nhất bìa trái) làng Mít Kom 2, xã Ia O trao đổi với vợ chồng Ksor Thuế và Ksor Lược về hệ lụy của việc kết hôn sớm. Ảnh: Yến Dung

Từ năm 2022 đến ngày 15-4-2023, huyện Đức Cơ cũng có 115 trường hợp tảo hôn, 100% là người dân tộc thiểu số. Tại hội nghị tìm giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tổ chức vào đầu tháng 5-2023, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cũng như khó khăn, hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Siu Luynh, UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Chỉ đạo các thôn, làng, khu dân cư lồng ghép các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước, coi đây là tiêu chí đánh giá kết quả thi đua khen thưởng hàng năm. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và những nội dung liên quan cho đội ngũ tuyên truyền viên, thanh-thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi; các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dễ dẫn đến nguy cơ tảo hôn.

Trao đổi với P.V xoay quanh các giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho rằng, tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp quan trọng. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục, truyền thông về phòng-chống tảo hôn đến người dân. Nội dung truyền thông đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn.

Các địa phương chú trọng thực hiện và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại cộng đồng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn ngay tại cơ sở. Đồng thời, gắn trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực thi pháp luật; đưa các quy định về hôn nhân vào quy ước, hương ước tạo thêm sức mạnh và dư luận để phòng-chống nạn tảo hôn hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm