Vất vả nghề chặt mía thuê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày này, dọc đường Trường Sơn Đông qua huyện Kbang, nhiều ruộng mía đang vào vụ thu hoạch. Mặc dù năm nay giá mía nguyên liệu xuống thấp nhưng người chặt mía thuê vẫn có thu nhập ổn định.

Từ sáng sớm, trên cánh đồng làng Bôn và Đak Jăng (xã Lơ Ku, huyện Kbang) đã có hàng trăm người làm việc. Tại ruộng mía của gia đình ông Đinh Bơi có khoảng 20 người đang tất bật chặt mía. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà Lò Thị My (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) cho biết: Gần 1 tháng nay, bà đến xã Lơ Ku để chặt mía thuê. Mỗi ngày bà làm việc cật lực thì cũng chặt được 200-250 bó mía (10 cây mía/bó), mỗi bó được trả công 1.300 đồng, thu nhập 200.000-300.000 đồng/ngày.

 

Người dân làng Krối (xã Lơ Ku) chặt mía thuê cho gia đình ông Đinh Bơi. Ảnh: Đ.Y
Người dân làng Krối (xã Lơ Ku) chặt mía thuê cho gia đình ông Đinh Bơi. Ảnh: Đ.Y

“Đã 10 năm rồi tôi gắn bó với nghề chặt mía thuê. Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe và quen tay thì chặt mới nhanh và nhiều, còn không thì chỉ được vài chục bó mỗi ngày thôi”-bà My tâm sự. Cũng theo bà My, mỗi vụ mía bà thường xa nhà 2-3 tháng. Những ngày đi chặt mía thuê, bà thường tá túc tại nhà của các chủ mía. Làm hết việc cho chủ mía này thì đến chủ mía khác, đến hết vụ mới về nhà. Một mùa chặt mía thuê, bà cũng để dành được khoảng 15-20 triệu đồng.

Ông Đinh Bơi cho biết, nhà ông trồng hơn 3 ha mía và đây là vụ thu hoạch đầu tiên. Thấy người làng ít việc nên ông ưu tiên thuê bà con chặt mía trước, sau đó mới thuê người ở xa đến. Nhiều người chưa biết chặt mía cũng được ông Bơi nhờ người thạo việc hướng dẫn. “Mỗi bó mía khoảng 10 cây rồi quy ra tiền công là 1.300 đồng/bó. Trung bình mỗi ngày, người trong làng có thể chặt trên 100 bó mía, tính ra thu nhập 150.000-200.000 đồng/ngày. Với giá nhân công như hiện nay, người chặt thu nhập ít nhất cũng phải trên 10 triệu đồng/ha mía. Đây là cơ hội giúp bà con nên mình phải tạo điều kiện. Hiện tại đầu ra của mía khá ổn định do có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp-xây dựng Lơ Ku đứng ra ký kết hợp đồng với Nhà máy Đường An Khê nên người trồng mía yên tâm sản xuất”-ông Bơi chia sẻ.

Dù năm nay giá mía xuống thấp nhưng giá nhân công thì không giảm. Người chặt mía thuê vẫn có cơ hội việc làm và thu nhập. Vì thế nên vợ chồng ông Lầu Văn Hầu và bà Dương Thị Thóa (thôn 1, xã Lơ Ku) năm nay đã 60 tuổi nhưng vẫn đi chặt mía thuê. Ông Hầu cho biết, vợ chồng ông không có nhiều đất sản xuất mà lại có đến 10 người con. 7 năm nay, các thành viên trong gia đình ông đi khắp các xã trên địa bàn huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa để chặt mía thuê. Cả nhà được chủ mía ưu tiên cho ở chòi rẫy, rồi hỗ trợ thêm gạo, mắm muối, nước uống, rau xanh để cải thiện bữa ăn. “Vừa chặt mía ở bãi này xong, gia đình tôi lại đến chặt mía ở bãi khác, cứ thế cho đến khi không còn ai thuê nữa thì trở về. Trung bình mỗi mùa, cả nhà tôi để dành được khoảng trên 100 triệu đồng”-ông Hầu cho biết

 

Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku: “Vụ thu hoạch mía năm nay muộn hơn so với mọi năm. Dù giá mía thấp nhưng giá nhân công thu hoạch mía vẫn ổn định như những năm trước. Do đó, những ngày này, lượng người từ các địa phương khác đến đăng ký tạm trú để làm việc tại xã Lơ Ku tăng cao”.

Nghề chặt mía thuê rất vất vả, cực nhọc. Để tránh cái nắng gắt, người làm công thường đi sớm chặt mía và trở về khi trời đã tối hẳn. Những đêm trăng sáng thì nhiều người còn tranh thủ làm việc thêm vài giờ đồng hồ nữa để có thêm thu nhập. Cực khổ nhưng ăn uống, sinh hoạt không được đảm bảo nên không ít người đổ bệnh, có trường hợp phải nhập viện cấp cứu. “Năm nay trong làng có nhiều hộ trồng mía nên vợ chồng mình có thêm việc làm. Mỗi ngày nếu cố gắng vợ chồng mình cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Chỉ chừng đó vì mình vừa học vừa làm. Nhưng như thế cũng là tốt lắm rồi”-ông Đinh Hlinh (làng Krối, xã Lơ Ku) tâm sự.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm