Xã hội

Gia đình

Về hưu và "giấc mơ" rau sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi còn những mười năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vợ chồng tôi đã gom góp tiền, lặn lội đi tìm mua một miếng đất khả dĩ đủ rộng để mai này có chỗ vui thú điền viên. Tối thiểu phải một sào rưỡi thì đành ngoại ô vậy, chứ nội thành tìm đâu ra. Xem ra, cứ qua tuổi 50 đa phần ai cũng chuẩn bị cho đến lúc hưu trí bằng cách riêng của mỗi người.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Viễn cảnh một ngôi nhà thoáng mát, cỡ cấp IV cách điệu trên mảnh đất đủ rộng để ngày ngày “hái hoa bắt bướm” là khá lý tưởng và để có được cũng hên xui may rủi, tất nhiên với người có sẵn tiền thì chẳng gì phải băn khoăn. Trường hợp tôi thì đúng là “bất chiến tự nhiên thành”, từ một khoản tiền bán cổ phiếu thưởng, lặn lội ra một nơi cách trung tâm thành phố 6 km, lúc ấy còn thưa vắng lắm, tắp tít mới có một cái nhà, một sào rưỡi mà chỉ chưa đến 100 triệu đồng. Giá ấy là vừa túi tiền của một gia đình chỉ đủ ăn như tôi. Hơn 10 năm sau, giá khu đất ấy đã lên đến gấp hơn 30 lần, may quá! Thanh lý căn nhà phố vẫn đủ cho một công trình nho nhỏ xinh xinh... Thế đấy! Việc chuẩn bị nơi chốn trước hàng chục năm là cực kỳ quan trọng.
Đằng trước là chốn ăn chơi, cây xanh lấy bóng mát có thông ba lá, sa kê và đủ loại hoa, phía sau phải có vài liếp rau xanh xen đủ loại trái. Vốn eo hẹp tài chính, hoa chọn lọc cho mặt tiền toàn loại rẻ tiền, bươn chải mưa nắng tốt và nhân giống đơn giản. Bạn bè biết tôi làm nhà mới có đất rộng, gửi cho giống cũng nhiều, ở tận miền Tây sông nước cũng khệ nệ đem ra. Giống hoa chẳng phải dòng đỏng đảnh, nhưng công sức bỏ ra không hề nhỏ, phải tỉa tót, phân tro. Sâu bệnh thì cứ luân phiên theo mùa. Phải xem chăm sóc cây trái là một cái thú vui tuổi xế chiều thì mới không có cảm giác nhọc nhằn. Dạ yên thảo, móng tay, thạch thảo, tím huế, ngọc nữ... vốn dĩ dễ tính, cứ vậy mà để chúng sinh sôi nảy nở, tính toán thêm bớt số lượng cho hài hòa. Hồng vốn dĩ được ưa chuộng lắm nên làm gì cũng phải có vài bụi cùng một giàn leo giữa vườn. Loài hoa nữ hoàng này khó tính, nhưng được cái mát tay nên vườn tôi giữ giống khá tốt, vàng, phớt hồng, đỏ nhung đủ cả. Việc hài hòa giữa bóng mát và khoảng nắng cho hoa cũng cần phải tính toán bố trí để hoa đẹp nào cũng quang hợp tốt mà nở hoa nhiều và đẹp. Tuy đất rộng, nhưng vẫn cần hàng chục chậu hoa treo lơ lửng đâu đó, nhất là ở hiên nhà hay bên dưới khung cửa sổ để làm mềm những góc cạnh kiến trúc của căn nhà.
Phía sau nhà dành một khoảng diện tích vừa đủ cho vài luống rau, còn lại là cây ăn trái đủ loại. Giữa thời buổi mà không khí ô nhiễm, thực phẩm độc hại tràn lan, được miếng đất tự sản thì mục tiêu dứt khoát phải cho ra những trái, những rau sạnh, an toàn. Vấn đề thực ra chẳng đơn giản chút nào, có trải nghiệm qua cửa ải vất vả trồng trọt mới thấu hiểu cái “độc ác” chẳng đặng đừng của nông dân thời buổi này. Tôi chứng kiến một ông hàng xóm sản xuất gần 2 sào củ cải, ông ta sử dụng thuốc sâu như tưới nước. Để phân bua, ông bèn nhổ một cây, cho tôi xem những lỗ lấm tấm trên phần củ đã gần bằng cổ tay: “Nó bị hà ăn, không phun thuốc, em mất hết bác ạ...”. Thế đấy!
Mảnh vườn tự sản tự tiêu của mình không phải để kinh doanh nên nếu giữ vững lập trường không hóa chất, không vô cơ thì đôi khi cũng thiệt hại không nhỏ. Rau dính sâu thì lấm tấm lỗ to lỗ nhỏ, chẳng xanh mướt mượt mà như rau trên kệ mấy siêu thị, được cái khi sử dụng thấy an tâm vì cảm giác an toàn cho sức khỏe. Gần một sào đất còn lại chia đều cho các loại trái cây: bơ, ổi, mãng cầu xiêm, na hoàng hậu, xoài, bưởi, cam, quýt... mỗi thứ 2-3 cây, toàn giống tuyển chọn, kháng bệnh thế mà vẫn đều đặn đón sâu nấm ghé thăm, dứt khoát không dùng hóa chất thì đành chấp nhận mất mát vậy. Nhưng cái cảm giác về vườn làm nông dân lạ lắm: An nhiên, tự tại giữa bốn mùa cây trái…
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm