Về một tấm bia bên đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ trung tâm TP. Pleiku xuôi theo quốc lộ 19 khoảng 70 km, du khách sẽ bắt gặp Di tích Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Đi thêm chừng 500 m nữa, vẫn ở phía tay phải, sẽ thấy một cái lồng sắt mới màu trắng, hình lập phương, chiều dài mỗi cạnh độ 1,8 m. Bên trong cái lồng có khóa nhưng không nắp đậy ấy là một tấm bia bê tông đã bong tróc, trơ cốt thép. Bia ấy là gì và vì sao chính quyền địa phương này phải bảo vệ nó như vậy?
Hẳn nhiều người đã biết đó là tấm bia được người Pháp dựng sau Hiệp định Genève (20-7-1954). Nó là dấu tích ghi lại trận thảm bại của Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) lừng lẫy thuộc quân đội Pháp năm 1954 trước Trung đoàn 96 (Liên khu 5), có sự phối hợp của nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Kéo dài gần một cây số dọc theo quốc lộ 19, trận phục kích kinh điển bắt đầu lúc 14 giờ 20 phút ngày 24-6-1954 đã khiến ít nhất 500 binh lính và sĩ quan Pháp thiệt mạng tại chỗ, 600 tên bị thương, gần 800 tên bị bắt sống, trong số đó có cả Đại tá chỉ huy Barrou. Cuộc phục kích đẫm máu này còn khiến quân đội Pháp mất đến gần 400 phương tiện cơ giới hiện đại các loại và hàng ngàn vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng. Gần 150 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, du kích của ta cũng đã anh dũng hy sinh.
Tấm bia đã được rào lại để bảo vệ. Ảnh: N.Q.T
Tấm bia đã được rào lại để bảo vệ. Ảnh: N.Q.T
Đáng kể, theo nhận định của các nhà phân tích, chính thất bại này đã làm GM 100 sụp đổ hoàn toàn về tinh thần, thậm chí nó có thể là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy Hiệp định Genève được ký sớm hơn, gần như là ngay sau đó. Vì sao? Được trang bị tận răng, GM 100 được biết đến với khả năng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh và binh lính thiện chiến, là đứa con cưng của quân đội Pháp. Nhưng họ đã thua lực lượng Việt Minh, vốn chưa nhiều kinh nghiệm chiến trường, súng đạn còn hạn chế. Họ quên mất một điều: Những người lính xuất thân từ nông dân ấy đã biết dựa vào núi rừng Gia Lai hiểm trở để quật ngã một thần tượng của giới quân sự Pháp và thế giới. Sau chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen và tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 96. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá cao về chiến thuật phục kích trận này. Năm 2001, Trung đoàn 96 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng năm, Chiến thắng Đak Pơ trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo thông tin ban đầu, tấm bia này được dựng sau ngày đình chiến không lâu, khi quân đội ta đã chuyển ra tập kết tại miền Bắc. Về nội dung bia, một nhà văn và cũng là cựu chiến binh từng tham chiến tại đây cho biết: Quân đội Pháp ngày trước có thói quen dựng bia ở những địa điểm từng xảy ra các cuộc đụng độ ác liệt giữa họ và đối phương, gây tổn thất nhiều nhân mạng. Trên bia, họ không ghi số liệu về trận đánh hay bên thắng, thua mà thông thường chỉ là một dòng tưởng niệm cho những người lính đã mất của cả hai phía.
Trên cơ sở đề nghị của huyện Đak Pơ, UBND tỉnh đã đồng ý đưa tấm bia này vào Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 (Quyết định số 312, ngày 6-7-2018). Theo kế hoạch, nếu được xếp hạng, bia này sẽ là di tích cấp tỉnh vào năm 2022.
Như vậy, nhiều khả năng tấm bia chỉ còn cao khoảng 1,2 m ở tổ 4, thị trấn Đak Pơ này đã tồn tại trên dưới 65 năm. Vài ba chục năm trước, khi đường sá chưa phong quang, nó ẩn mình trong một bụi cây gai rậm rạp. Mặc dù được làm bằng bê tông khá dày dặn nhưng tấm bia đã bị đập lấy cốt sắt nên hư hỏng nặng và biến dạng. Việc huyện Đak Pơ làm hàng rào sắt bảo vệ tấm bia này lại là hành động tích cực, tuy hơi muộn màng. Nó chấm dứt tình trạng tấm bia liên quan đến chiến thắng lớn nhất của quân đội ta trên chiến trường Liên khu 5-trận đánh khép lại cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ-không có người quản lý trong hơn nửa thế kỷ qua.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm