(GLO)- Tháng 6-2016, theo chân các đồng nghiệp Báo Cao Bằng, chúng tôi hành hương về cội nguồn cách mạng Pác Bó, nơi Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Hơn l tiếng đồng hồ chạy xe về phía Bắc, chúng tôi đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km. Non nước Cao Bằng đẹp như bức tranh thủy mặc, bất giác tôi nhớ đến tiếng đàn tính của người Tày, tiếng khèn của người Mông và nhớ lời ca giữa rừng Pác Bó “…Ơ rừng Pác Bó quê ta… nhớ rừng xưa ôm bóng Người. …Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…”.
Nơi Bác Hồ tổ chức họp Đại hội quốc dân Tân Trào. Ảnh: Đ.P |
Dừng ở điểm đầu Km 0 của đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vào viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi núi thiêng Tếch Cháy. Đền thờ Bác được kiến trúc theo lối nhà sàn của các dân tộc miền núi phía Bắc, mặt hướng về Nam, lưng tựa vào núi Pác Bó, được khánh thành vào dịp 19-5-2011. Từ đây, chúng tôi đi vào hơn 1 km nữa thì đến suối Giàng và núi Phja Tào mà sau này Bác Hồ đặt tên là suối Lê Nin và núi Các Mác. Và từ đây vào hang Cốc Bó men theo suối Giàng khoảng 1 km đều in đậm dấu chân và hình bóng của Người. Nào là nơi Bác thường ngồi câu cá, cây ổi-Người hái lá để nấu nước uống, bàn đá tự nhiên-nơi Người ngồi làm việc… Đặc biệt, khi leo lên khoảng 100 bậc đá thì gặp hang Cốc Bó-nơi Người ở trong những ngày đầu tiên. Nơi này sát biên giới Việt-Trung (cột mốc 108), giáp tỉnh Quảng Tây-Trung Quốc. Nhìn cái hang lạnh đơn sơ với chiếc phản ghép bằng các mảnh ván bằng gỗ nghiến khiến cho bao du khách ngạc nhiên khi được giới thiệu là nơi ở của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Câu thơ của Tố Hữu đã từng nhắc đến một ngọn lửa trong cái hang lạnh này ngày xưa đã làm bừng sáng lên ý chí độc lập, tự do cho cả dân tộc Việt Nam: “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang núi/ Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau”. Trong lịch sử cách mạng còn ghi lại khá rõ, sau những năm đi tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn nước rút để tiến đến giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến. Bác ở Pác Bó-Cao Bằng hơn 4 năm. Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 ở Khuổi Nậm (gần hang Cốc Bó) ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Bác còn mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ ở Cao Bằng, soạn thảo nhiều tài liệu quan trọng cho cách mạng; thành lập đội du kích Pác Bó-tiền thân Đội vũ trang tỉnh Cao Bằng.
Người còn sáng lập tờ báo Việt Nam Độc Lập để tuyên truyền, ra số đầu tiên ngày 1-8-1941. Đặc biệt, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình-Cao Bằng, Người đã giao trọng trách cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944)-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Những tháng ngày gian khổ đầu tiên khi về nước ở Cao Bằng, Người đã đặt viên gạch làm nền móng cho cách mạng Việt Nam sau này, đồng thời đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh quật cường, khởi động cho một cơn bão lửa vùng lên của nhân dân đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bài thơ “Tức Cảnh Pác Bó” của Người đã thể hiện một tinh thần lạc quan cách mạng với tư thế ung dung, tự tại: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Lần theo dấu chân của Bác, chúng tôi lại về chiến khu Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bấy giờ, nơi đây được mệnh danh là Thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Tình hình thế giới sau năm 1945 chuyển biến có lợi cho ta, nhất là sau khi phe Đồng Minh thắng thế, ở Đông Dương, Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đảng ta đã ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí Trung ương tìm địa điểm để thiết lập trung tâm chỉ huy tổng khởi nghĩa và đi đến thống nhất chọn Tân Trào-nơi hội đủ các điều kiện “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” làm Thủ đô lâm thời. Nơi đây có hình sông thế núi vững chãi, tiến thoái thuận tiện, cách Hà Nội không xa (150 km) và gần biên giới Việt-Trung; là trung tâm của khu giải phóng Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái).
Sau 18 ngày lội núi băng đèo, từ Cao Bằng, Bác Hồ về đến Tân Trào ngày 21-5-1945. Người lội sông Phó Đáy rồi dừng chân đầu tiên ở đình Hồng Thái, gặp gỡ cán bộ và nhân dân địa phương, sau đó Bác về làng Kim Long (nay là xã Tân Lập) ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự. Đầu tháng 6-1945, Bác dời về ở và làm việc tại lán Nà Nưa, cách làng Tân Lập khoảng l km. Bấy giờ nơi này trở thành đại bản doanh của Tổng bộ Việt Minh. Ngày 4-6-1945, Bác triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để chuẩn bị các điều kiện cho tổng khởi nghĩa. Sau thời gian đó, Người bị ốm nặng, sốt cao, ăn uống, đi lại khó khăn, tưởng chừng không qua nổi. Các đồng chí, đồng bào hết sức lo lắng cho sức khỏe của Bác. Lúc này, thường xuyên đến thăm và chăm sóc cho Người có đồng chí Võ Nguyên Giáp. Những lúc tỉnh lại, Bác thường tâm sự, trao đổi công việc với người đồng chí của mình như một lời căn dặn: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. May mắn thay, giữa lúc tình hình trong nước đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa thì Bác Hồ đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe dần dần hồi phục. Gần trung tuần tháng 8-1945, Bác cho triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và quyết định tổng khởi nghĩa. Liền sau đó (16-8-1945), Đại hội quốc dân tại đình Tân Trào với 60 đại biểu của các địa phương, vùng miền, các dân tộc, tôn giáo, đảng phái và đại biểu kiều bào ta ở nước ngoài, đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Bác đã ra lời kêu gọi toàn quân, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Cũng trong ngày này, các đại biểu đã chứng kiến lễ ra quân của Giải phóng quân Việt Nam dưới gốc cây đa Tân Trào. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, sau đó hành quân qua Thái Nguyên, tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy cao trào cả nước phát triển nhanh chóng. Ngày 23-8, Huế giành được chính quyền. Ở Sài Gòn, ngày 25-8, cuộc khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Đối với tỉnh Gia Lai, ngày 23-8-1945, cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc đã giành thắng lợi và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một thời đại mới-thời đại độc lập-tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội (2-9-1945) đã nêu cao tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tính từ “xuân 41” Bác về nước cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì vừa tròn 4 năm rưỡi (1.620 ngày). Những ngày nằm gai nếm mật trên khắp chiến khu Việt Bắc, Người luôn giữ một tinh thần lạc quan cách mạng với một ý chí sắt thép, quyết đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ, áp bức, đem lại ấm no-hạnh phúc cho nhân dân.
Mùa này, rừng biên giới không có hoa mơ nở nhưng đi đến đâu cũng thấy bờ lau bên vách núi vẫn còn “vui ngẩn ngơ”… Bỗng nhiên nhớ đến câu thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” của Người luôn tràn đầy niềm lạc quan với ước mơ thi vị: “… Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạt cũ với xuân này”…
Bùi Quang Vinh