Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vì sao Bộ Công an triệu tập một số cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Y tế Hà Nội phải rà soát toàn bộ việc mua máy giai đoạn 1 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, của các bệnh viện, kiểm tra đã dùng những gì, còn những gì phải kiểm kê, thống kê, đưa vào kho quản lý.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - nơi đang bị nghi ngờ có sai sót trong mua sắm hệ thống xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN
Bản thân cán bộ còn góp một ngày lương ủng hộ việc chống dịch, nếu được giao nhiệm vụ này mà có biểu hiện móc ngoặc, nâng giá để tham ô, tham nhũng, tiêu cực thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân, với thành phố, mà còn có tội với đất nước.

Ông Nguyễn Đức Chung

Theo thông tin của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp Ban chỉ đạo thành phố về phòng chống dịch COVID-19 sáng 17-4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đã mời một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) làm việc xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.
Theo ông Chung, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra. Không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.
Sai sót ở đâu?
"Quan điểm của thường trực Thành ủy, bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.
Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương" - ông Chung nói.
"Sở Y tế Hà Nội phải rà soát toàn bộ việc mua giai đoạn 1 của CDC Hà Nội, của các bệnh viện, kiểm tra đã dùng những gì, còn những gì phải kiểm kê, thống kê, đưa vào kho quản lý.
Tuyệt đối các bệnh viện và trung tâm y tế không được dùng các trang thiết bị này phục vụ công tác khám chữa bệnh thông thường, chỉ mua sắm phục vụ cho dịch bệnh" - ông Chung nhấn mạnh.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, thời gian vừa qua CDC Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm realtime PCR, do số lượng mẫu nghi nhiễm COVID-19 cần xét nghiệm gia tăng (Hà Nội đã có 2 máy tương tự, một đơn vị đối tác cũng cho mượn 6 máy), đủ khả năng xét nghiệm 2.000 - 2.500 mẫu/ngày (chạy 24/24 giờ).
Về giá thành thiết bị, loại Hà Nội đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (realtime PCR) khoảng 7 tỉ đồng.
Trong khi đó, một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỉ đồng.
"Chúng tôi đang bán máy realtime PCR khoảng 1,3 tỉ đồng, máy tách chiết mẫu có loại tự động và loại tách bằng tay, loại tự động có 96 giếng - nhiều giếng nhất, khoảng 2,4 tỉ đồng, số còn lại dành cho tủ an toàn sinh học 180 - 300 triệu. Mức giá này đã bao gồm lợi nhuận của nhà cung cấp và chi phí bảo hành, bảo trì về sau" - vị này cho biết.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xác nhận ngay sau khi cơ quan công an làm việc với một số cán bộ CDC, sở đã đến kiểm tra toàn bộ hồ sơ chứng từ, hợp đồng liên quan đến thiết bị này.
Ông Hiền cho rằng đoàn kiểm tra của sở chưa phát hiện sai sót mà mới thấy một số chi tiết nhỏ có thể "nhầm" như ngày ký hợp đồng, ngày lấy máy...
Về giá, ông Hiền cho biết còn một số tỉnh thành khác mua thiết bị tương tự Hà Nội, cũng với mức giá trên dưới 7 tỉ đồng. "Chúng tôi đang đợi cơ quan chức năng xem xét cụ thể sai ở đâu, bộ phận nào sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm" - ông Hiền cho biết.
Ồ ạt mua máy để làm gì?
Không chỉ Hà Nội có tình trạng mua hệ thống xét nghiệm giá cao, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có nhiều tỉnh thành mua thiết bị này với giá khoảng 7 tỉ đồng, cao hơn so với thị trường.
Đáng chú ý, dự trù trang thiết bị phòng chống dịch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (dự trù ký ngày 26-3) cho tình huống bệnh nhân gia tăng, giá một máy realtime PCR được dự trù tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết 2 tỉ đồng.
Cả hệ thống xét nghiệm này nếu mua theo dự trù và báo giá của doanh nghiệp cung cấp lên tới 17 tỉ đồng, cao gấp 4-5 lần so với thị trường.
"Việc này (mua máy móc, thiết bị có vấn đề về giá - PV) cũng liên quan đến một số tỉnh thành khác" - ông Chung cho biết.
Được biết có 4-5 tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung đã mua hệ thống thiết bị realtime PCR với giá xấp xỉ 7 tỉ đồng, mức giá cao hơn so với thị trường thông thường.
Thậm chí có 2 tỉnh đã mua hệ thống thiết bị cũng 7 tỉ đồng/hệ thống, nhưng khổ nỗi đó lại là hệ thống "đóng", chỉ có thể xét nghiệm các virus, vi khuẩn gây bệnh theo danh mục sẵn, còn COVID-19 là bệnh mới, không bao gồm trong danh mục sẵn này.
Hiện nhu cầu xét nghiệm nhiều nhất là COVID-19, việc không xét nghiệm được COVID-19 hoặc phải lắp ráp thêm theo cách gượng ép, rõ ràng là hành vi cố mua.
Trong thời điểm dịch bệnh, nguồn cung cấp thiết bị xét nghiệm cũng như sinh phẩm đều hạn chế, như khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong văn bản ngày 11-4, "các sở y tế cân nhắc kỹ khi mua thiết bị xét nghiệm, phù hợp giữa nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí, do thời điểm này giá thành sản phẩm rất cao".
Tuy nhiên, ở thời điểm Bộ Y tế khuyến cáo, toàn quốc đã có 110 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm được COVID-19, trong đó có 95 phòng thuộc ngành y tế, 15 phòng của các ngành khác.
Tổng số mẫu xét nghiệm đã lên tới trên 120.000 mẫu, tỉ lệ số mẫu xét nghiệm/số ca dương tính ở Việt Nam vào loại cao trên thế giới.
Hà Nội mời HĐND giám sát toàn bộ quá trình mua sắm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Y tế phải thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của thường trực Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy giao Sở Y tế mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện cũng như các bệnh viện, mà phải mua sắm cho vào trong kho, nhằm dự trữ chiến lược để phục vụ lâu dài.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 15-4, ông Chung cũng nhấn mạnh: "Sở Y tế và các đơn vị quận huyện được phân bổ ngân sách giai đoạn 1, giai đoạn 2 phải rà soát toàn bộ kết quả mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, tiêu cực xảy ra.

Chúng tôi đã thống nhất mời Ban kinh tế ngân sách và Ban văn hóa - xã hội của HĐND, Mặt trận Tổ quốc thành phố vào giám sát toàn bộ quá trình này để công khai minh bạch".

L.Anh-C.Tuệ (TTO)

Có thể bạn quan tâm