Theo luật, việc HĐXX quyết định cách ly các bị cáo là để đảm bảo lời khai của các bị cáo không tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Ông Đinh La Thăng được đưa đến tòa sáng 8-1. |
Một trong những chi tiết đáng chú ý trong ngày đầu phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC đó là khi tiến hành thẩm vấn để làm rõ những sai phạm trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vào khu vực cách ly để thẩm vấn các bị cáo khác.
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong thực tế, đúng là không phải vụ án nào HĐXX cũng thực hiện việc cách ly, mà phần lớn là các vụ án phức tạp, các bị cáo có phụ thuộc trong công việc trước đây hoặc là cấp trên, cấp dưới và quan trọng hơn là có ảnh hưởng đến nhau, do đó luật quy định việc cách ly là cần thiết.
Khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
Như vậy có thể thấy việc HĐXX quyết định cách ly các bị cáo là để đảm bảo lời khai của các bị cáo không tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Việc các bị cáo đặt câu hỏi lại với nhau để mọi người tham gia và tiến hành tố tụng tại phiên tòa phân tích và đánh giá lời khai theo các góc độ khác nhau, cùng tiệm cận đến sự thật khách quan.
Việc cách ly còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt tâm lý cho các bị cáo còn lại trong quá trình khai báo về các bị cáo bị cách ly. Việc được biết và được đặt câu hỏi gần như là việc đối chất gián tiếp trong quá trình xét hỏi của hội đồng xét xử, việc đặt câu hỏi của bị cáo bị cách ly cũng tạo điều kiện để bị cáo bị cách ly có cơ hội được chứng minh tính hợp lý hoặc hợp pháp của tình huống được khai khi bị cáo bị cách ly.
Tuỳ từng tình huống cụ thể mà Tòa án sẽ có các quyết định cách ly đến giai đoạn nào của quá trình tố tụng.
An Minh/VOV.VN