Ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành (gọi tắt là Công ty Phúc Lâm Thành) thuê rừng tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Diện tích rừng sản xuất 50,46ha cho thuê nằm trong diện tích đất đã cho thuê tại địa phương.
Doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng trong thời hạn 37 năm. Hình thức cho thuê rừng là trả tiền hàng năm với giá hơn 33,7 triệu đồng/năm.
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện hồ sơ thuê rừng tại các dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Nông |
UBND tỉnh Đắk Nông giao các sở, ngành, địa phương triển khai ký kết hợp đồng thuê rừng và cập nhật hồ sơ thuê rừng theo thẩm quyền. Các đơn vị bàn giao rừng trên thực địa cho doanh nghiệp theo quy định.
Về phần Công ty Phúc Lâm Thành, sau khi hoàn thiện hợp đồng thuê rừng, doanh nghiệp phải thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định. Doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về lâm nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường...
Đây là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện hồ sơ thuê rừng tại Đắk Nông từ khi tái lập tỉnh (1/1/2004) tới nay. Trong khi đó, toàn tỉnh có 38 dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất, rừng để đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, có 22 dự án (giai đoạn 2004 - 2016) chưa lập hồ sơ thuê rừng với diện tích hơn 9.300ha.
Dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành khai thác du lịch nên doanh nghiệp cần thuê rừng để phục vụ |
Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, dự án của Công ty Phúc Lâm Thành là dự án có hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái rừng. Nhiều năm nay, dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ có liên quan tại diện tích đất, rừng đã được giao. Do đó, doanh nghiệp này rất muốn hoàn thiện hồ sơ thuê rừng để khai thác các giá trị từ rừng, phát triển dự án của mình.
Đối với các dự án còn lại, việc thực hiện hồ sơ thuê rừng cơ bản không có động tĩnh gì. Phần lớn các chủ dự án sản xuất nông, lâm nghiệp được thuê đất không có nhu cầu thuê rừng. Bởi phần lớn diện tích rừng nằm xen kẽ, manh mún với đất canh tác của người dân. Công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được thuê sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Nhà nước đã đóng cửa rừng gần 10 năm nay. Nếu được thuê rừng, các doanh nghiệp cơ bản không được hưởng lợi gì từ việc thuê rừng. Đồng thời, khi quản lý, bảo vệ không tốt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về rừng cho Nhà nước không hề nhỏ.
Đắk Nông có hàng chục dự án cần phải hoàn thiện hồ sơ thuê rừng nhưng chỉ duy nhất 1 dự án đã hoàn thiện hồ sơ |
Phần lớn các dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Nông được triển khai từ khi tái lập tỉnh (năm 2004) tới nay. Việc giao đất, cho thuê đất thời điểm đó còn chưa chặt chẽ, nhiều thiếu sót. Thiếu hồ sơ thuê rừng, Nhà nước thiếu pháp lý để hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT phân tích: Các doanh nghiệp đã được giao đất, cho thuê đất thì không muốn làm hồ sơ thuê rừng vì sợ liên quan tới trách nhiệm. Còn những doanh nghiệp muốn thuê rừng mà không phải là đơn vị thuê đất thì cũng không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình. Vậy nên những năm qua, hàng chục dự án cần hoàn thiện hồ sơ thuê rừng ở Đắk Nông không thực hiện được. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ nhưng vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.
Điều 17, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hàng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.