Vì sao học sinh ngày nay có quá nhiều áp lực?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trẻ em phải chịu rất nhiều áp lực nhưng người lớn cho rằng đấy là điều hiển nhiên. Thực tế trẻ cần phải được chia sẻ, thông cảm nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Chia sẻ, đồng hành cùng con là cách san sẻ áp lực cuộc sống với con - Ảnh: Tô Hồng Vân
Chia sẻ, đồng hành cùng con là cách san sẻ áp lực cuộc sống với con - Ảnh: Tô Hồng Vân



Người lớn, thỉnh thoảng khi căng thẳng quá với cuộc sống, hoặc đôi lúc bất chợt nhớ về một kỷ niệm tuổi thơ, thường hay ước ao được “quay về làm trẻ con vô lo, sung sướng”. Chúng ta mặc định là trẻ con thì chẳng có áp lực gì cả. Sự thật thì trẻ cũng có rất nhiều áp lực cần được giải toả.

Điểm số cao thôi, chưa đủ!

Áp lực dễ nhận ra nhất và dường như cũng dễ được chấp nhận và thông cảm nhiều nhất có lẽ là áp lực từ việc học.  

Nhưng trẻ em trong xã hội hiện đại thực ra có nhiều áp lực hơn bố mẹ mình lúc nhỏ rất nhiều. Ở thời đại này, điểm số không phải là quy chuẩn duy nhất các con phải để tâm vì điểm cao chưa đủ để đảm bảo một tương lai tươi sáng, hay thậm chí gần hơn, là “vị trí” của con trong môi trường học. Học sinh 4.0 là phải thông thạo ngoại ngữ, phải thể hiện được sự năng động, tự chủ trong học tập, phải cập nhật công nghệ mới, và thậm chí phải cả hát hay, nhảy đẹp, chơi thể thao giỏi.

Kế đến là áp lực khó được bố mẹ thông cảm và sẻ chia hơn. Đó là áp lực đến từ bạn bè . Đối với bố mẹ, bạn bè là để chơi vui, không vui nữa thì ngưng chơi. Phải nghiêm trọng lắm, ví dụ như con bị bắt nạt, bị trấn lột hay đánh đập thì mới xem là có vấn đề. Và bố mẹ quên mất việc bị tẩy chay có thể kinh khủng đến thế nào, việc bị ngồi cạnh một bạn không “hợp cạ” có thể buồn chán ra sao, hay việc thích thầm một người bạn khác giới có thể khiến tim lỗi nhịp nhiều thế nào.


 

 Trẻ em có nhiều áp lực hơn người lớn nghĩ - Ảnh: N.Y.P
Trẻ em có nhiều áp lực hơn người lớn nghĩ - Ảnh: N.Y.P


Bên cạnh đó, làm trẻ em thời hiện đại cũng đồng nghĩa với việc con có thêm một vòng tròn bạn bè nữa: ở trên mạng. Nếu những dòng tin nhắn với bạn bè có thể đem đến những tràng cười sảng khoái, một bình luận trên trang cá nhân có thể mang đến nụ cười mỉm hạnh phúc thì ngược lại, số lượng tim được thả cho từng bài viết trên trang cá nhân cũng có thể là nguồn cơn của một sự căng thẳng, so đo. Hay bắt nạt “ảo” trực tuyến hoàn toàn có thể biến thành những vết thương lòng có thật, gây ra những hậu quả khôn lường.

Còn một nguồn cơn áp lực nữa, có thể dễ dàng kiểm soát nhất nhưng không may, lại ít được nhận diện và khó được thừa nhận nhất chính lá áp lực do chính bố mẹ tạo ra cho con. Điển hình nhất của việc tạo áp lực cho con có thể kể đến câu so sánh “con nhà người ta”. Con nhà người ta luôn có điểm số mà con khó theo kịp, có các giải thưởng con chưa đạt được, có các khả năng/tính cách con không bao giờ hoàn hảo bằng.

Giúp con giải toả áp lực như thế nào?

Điều kiện cần thiết đầu tiên phải có để giúp con giải toả áp lực chính là việc thừa nhận sự hiện diện của những áp lực con đang phải đối mặt. Cố gắng chối bỏ và ngó lơ những khó khăn của con chỉ khiến con cảm thấy cô độc và mệt mỏi hơn. Thừa nhận, và sau đó thể hiện sự cảm thông, chính là cách hỗ trợ bước đầu hiệu quả nhất để con đương đầu với áp lực.

Chân thành bày tỏ cảm xúc của chính mình với con cũng là một phương pháp hữu hiệu. Việc bố mẹ luôn gồng mình, chỉ cho con thấy những ưu điểm tuyệt vời của mình đúng là có thể đem đến lòng ngưỡng mộ, tuy nhiên, cũng chính điều này dễ khiến con cảm thấy bố mẹ là những hình mẫu quá hoàn hảo, khó lòng theo kịp.

Thay vào đó, những lúc mệt mỏi, căng thẳng, bố mẹ có thể ít nhiều thể hiện cho con thấy, để con có thể an ủi bố mẹ đồng thời nhìn thấy được cách bố mẹ đối mặt và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Điều này cũng tạo nên được một sự gần gũi, sợi dây gắn kết giữa bố mẹ và con, cho con vai trò là "bờ vai" xua bớt mệt mỏi cho bố mẹ, để đến khi con có áp lực hay trở ngại, con cũng sẵn sàng tìm đến bố mẹ để tâm sự và nhờ cậy.

 


Áp lực có cần thiết không?

Áp lực vẫn thường được gán ghép với các tác dụng tiêu cực vì dễ gây ra căng thẳng và nhiều tác hại không tốt cho thể chất cũng như tinh thần của con người. Vì thế, có những ông bố bà mẹ thậm chí còn muốn đi theo xu hướng “tạo cho con một tuổi thơ chỉ có hạnh phúc, hoàn toàn không có lo lắng, áp lực”.

Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ là phải có những việc khó khăn. Thử tưởng tượng một bạn nhỏ từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, mỗi lần gặp khó khăn đều được “giải cứu” hoặc được bố mẹ lựa chọn toàn những con đường “không có chông gai”, đến một ngày gặp một sự cố mà bạn phải đối mặt một mình, liệu bạn có thể vượt qua hay không?

Nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ phải luôn luôn làm khó, tạo cho con thật nhiều áp lực để con rèn luyện sự kiên cường. Dù khó, nhưng có lẽ việc cân bằng cho con vẫn là điều bố mẹ cần cố gắng đạt được: vừa đủ áp lực để con có bản lĩnh nhưng đồng thời cũng cần để tâm để kịp thời phát hiện những tín hiệu nguy hiểm khi con sắp không chịu nổi áp lực đang có.


Theo TÔ HỒNG VÂN (thanhnien)
 

Có thể bạn quan tâm