Xã hội

Gia đình

Vì sao người Nhật ngại sinh con?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người dân Nhật Bản phần nào thay đổi quan điểm, tiến đến hôn nhân nhưng lại ngại sinh đẻ vì lo ngại không có đủ tiền nuôi con.

 

Một học sinh đi bộ cùng mẹ đến trường ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Một học sinh đi bộ cùng mẹ đến trường ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters



Báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy số trẻ em được sinh ra ở nước này trong năm 2019 chỉ 864.000 bé. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thống kê số liệu hồi năm 1989, theo tờ Asian Nikkei Review.


Số lượng trẻ sơ sinh giảm 54.000 trẻ so với năm 2018 và con số này vẫn dưới mốc 1 triệu trong năm thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, có 1,36 triệu người Nhật đã chết trong năm 2019, con số cao nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhật Bản hiện được xem là “quốc gia dân số siêu già”, tức hơn 20% dân số là người hơn 65 tuổi. Dân số Nhật Bản ở mức 124,6 triệu vào năm 2019, nhưng đến 2065, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 88 triệu.


 

 Lễ hội võ sĩ sumo dọa trẻ em ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Lễ hội võ sĩ sumo dọa trẻ em ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters



Các chuyên gia đang nỗ lực xác định chính xác lý do vì sao số lượng trẻ sơ sinh đã giảm mạnh trong năm 2019. Tỷ lệ sinh giảm được cho là xuất phát từ yếu tố kinh tế như tiền lương, công việc không ổn định và chi phí sinh hoạt hàng ngày gia tăng khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con.

Hiroshi Yoshida, một chuyên gia về kinh tế tại Đại học Tohoku lý giải: “Tỷ lệ sinh có phần tăng nhẹ dù không đáng kể trong vài năm gần đây là cho nhiều người trước đây không muốn kết hôn, thay đổi quan điểm và tiến tới hôn nhân, bắt đầu xây dựng gia đình. Tuy nhiên, đến năm 2019, tỷ lệ sinh tiếp tục xu hướng giảm mạnh”.

Một yếu tố khác là thế hệ người sinh ra trong giai đoạn năm 1971-1974 đều đến tuổi trung niên (hơn 40 tuổi), điều này đồng nghĩa sẽ có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Giới chuyên gia đưa ra một giả thuyết khác vốn rất khó để chứng minh, đó là các cặp vợ chồng trì hoãn để con chào đời trong một kỷ nguyên mới, thời kỳ Lệnh hòa (bắt đầu kể từ ngày 1.5.2019) sau khi Nhật hoàng Naruhito đăng quang. Niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) là một từ mang nghĩa "sự hòa hợp tuyệt đẹp".

Lo sợ không đủ tiền nuôi con

Đối với hầu hết các cặp vợ chồng, trở ngại lớn nhất khiến họ ngại sinh con là tài chính. “Chúng tôi sống tại vùng nông thôn ở tỉnh Nagano nên chi phí nuôi có phần thấp hơn một ít so với bạn bè ở thành phố”, cô Emiko (36 tuổi) cho biết, theo tờ South China Morning Post. Cô Emiko đang sống cùng chồng người Anh và hai con trai nhỏ (5 tháng tuổi và đứa lớn là 4 tuổi) ở thị trấn Nozawa Onsen, Nagano.

“Tài chính chắc chắn là một mối bận tâm hàng đầu đối với các cặp vợ chồng. Chồng tôi thực sự muốn có thêm một cô con gái. Chúng tôi vẫn chần chừ do phải tính toán đến chi phí nuôi nấng, giáo dục cho các con trong vài năm tới”, cô Emiko nói.


Cô Emiko và nhiều cặp vợ chồng khác cho rằng chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình giúp giảm bớt gánh nặng cho các cặp vợ chồng muốn có con, chẳng hạn trường mẫu giáo miễn phí, nhưng chi phí nuôi con vẫn còn quá cao đối với nhiều người.

 

 Trẻ em ăn trưa tại một trường mẫu giáo ở phía nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Trẻ em ăn trưa tại một trường mẫu giáo ở phía nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP




Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn ngăn chặn tình trạng dân số giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2060. Hồi năm 2017, chính phủ đã công bố gói ngân sách 2 nghìn tỉ yen để duy trì chương trình trường mầm non miễn phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi - và chỉ miễn phí cho trẻ em dưới 3 tuổi đối với gia đình thu nhập thấp.

“Nhiều cặp vợ chồng dừng lại sau khi có một đứa con vì họ không đủ khả năng nuôi thêm một đứa nữa. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ tài chính, tôi chắc chắn rằng họ sẽ có nhiều con hơn. Thật đáng buồn, tất cả đều xuất phát từ tiền”, cô Emiko cho biết thêm.


 


Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đối mặt tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng. Đức cũng là “quốc gia dân số siêu già”. Dự kiến đến năm 2030, Mỹ, Anh, Singapore và Pháp sẽ lâm vào trình trạng tương tự.

Nước láng giềng Hàn Quốc cũng đã phải vật lộn với dân số già hóa trong nhiều năm qua, với lực lượng lao động bị thu hẹp và tỷ lệ sinh thấp đáng báo động. Năm 2018, tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất và các cặp vợ chồng ngại sinh con với lý do tương tự như tại Nhật Bản.



Theo Phúc Duy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm