Văn hóa

Vị thế cồng chiêng Gia Lai trong không gian văn hóa Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là cư dân các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Jrai và Bahnar- hai dân tộc sinh sống lâu đời và chủ yếu tập trung ở Gia Lai. Người Jrai và Bahnar tự hào vì họ đã có những đóng góp đáng trân trọng để loại hình văn hóa đặc sắc này được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt vào tháng 11 năm nay, Gia Lai được Chính phủ cho phép đăng cai Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng với đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai mà cả khu vực Tây Nguyên.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Với các tộc người Tây Nguyên, trong đó có cư dân Jrai, Bahnar, cồng chiêng là một linh khí. Đồng bào tin rằng trong mỗi chiếc cồng chiêng cổ đều có một vị thần trú ngụ. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Trong văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Gia Lai, cồng chiêng chỉ được đem ra đánh khi con người cần giao tiếp với thần linh và tổ tiên, nó có mặt trong hầu hết các hoạt động mang tính nghi lễ của cá nhân và cộng đồng trong ứng xử với thiên nhiên, xã hội; là nhân tố gắn giữa quá khứ, hiện tại với tương lai; nó tồn tại với cuộc sống mỗi con người và mỗi giai đoạn phát triển lịch sử của cộng đồng như một thành tố không thể thiếu vắng. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Âm nhạc của cồng chiêng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá, không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là “tiếng nói” của con người và của thần linh theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Khi bài chiêng tấu lên, người ta có thể hiểu được đó là cồng chiêng của tộc người nào và ở đó đang có nghi lễ gì; đặc biệt nghe tiếng cồng, tiếng chiêng người ta còn thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Gia Lai đã tiến hành nhiều nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; trong đó đã tổ chức được 7 cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ 2 năm một lần ở cấp xã và huyện, 4 năm một lần ở cấp tỉnh, thu hút đông đảo các nghệ nhân tham gia. Cùng với hoạt động liên hoan cồng chiêng, tỉnh còn quan tâm  khuyến khích nghiên cứu, phục dựng các lễ hội đang có nguy cơ mai một trước sự tác động của văn hóa ngoại lai để bảo tồn, lưu giữ. Đặc biệt trong năm 2008, tỉnh đã sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa để tiến hành cuộc điều tra, phân loại cồng chiêng trên quy mô toàn tỉnh. Kết quả đã xác nhận hiện Gia Lai còn 5.655 bộ cồng chiêng, tăng trên 500 bộ so với năm 2005. Như vậy, cho đến thời điểm này, Gia Lai là tỉnh còn đang lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất so với các tỉnh bạn trong khu vực, trong khi tỉnh Kon Tum hiện còn 1.900 bộ và tỉnh Đak Nông chỉ còn 300 bộ.

Và một tin vui nữa lại đến với đồng bào các dân tộc Gia Lai, đó là vào tháng 11 năm nay, Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại phố núi Pleiku xinh đẹp; dự kiến sẽ có 3 hoạt động chính: Trình diễn các sinh hoạt văn hóa đặc sắc và độc đáo của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển lãm ảnh về Không gian văn hóa cồng chiêng; Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tham dự Festival, ngoài 11 đoàn cồng chiêng của 11 dân tộc là chủ nhân lâu đời của vùng đất Tây Nguyên như Bahnar, Jrai, Êđê, Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Mnông còn có các đoàn cồng chiêng của các dân tộc thiểu số khác ở nước ta như Mường, Thái, Chăm, Khơ Me, Hrê, Cơ Tu, Tà Ôi, Cor, Raglai… và đại diện cho các nước có cồng chiêng trong khu vực và thế giới. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ Festival tại phố núi Pleiku, đến với Festival Cồng chiêng Quốc tế lần này, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Gia Lai thông qua các hoạt động mang đậm giá trị văn hóa dân tộc như phục dựng các lễ hội đón năm mới, lễ hội pơthi độc đáo của người Bahnar, Jrai và đến với các danh lam thắng cảnh có tiếng trong vùng như hồ Tơ Nưng, thủy điện Ia Ly hùng vĩ… Hy vọng Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ là một hoạt động có nhiều ý nghĩa để giới thiệu với bạn bè trong nước và khu vực về Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng giàu bản sắc văn hóa dân tộc, giàu tiềm năng thế mạnh và giàu lòng mến khách với bạn bè trong và ngoài nước.
Quốc Anh

Có thể bạn quan tâm