Khoa học - Công nghệ

Viện Chính sách Chiến lược Úc: Trung Quốc dẫn đầu nghiên cứu nhiều công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Tờ Nikkei Asia ngày 15/9 dẫn một báo cáo mới công bố cho thấy Trung Quốc dẫn đầu nghiên cứu công nghệ cao trong 80% lĩnh vực quan trọng bao gồm bội siêu thanh và thiết bị lặn không người lái, vượt qua Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, thông qua đầu tư nhà nước.
Tên lửa bội siêu thanh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tên lửa bội siêu thanh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong số 23 công nghệ được Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) phân tích, Trung Quốc dẫn đầu nghiên cứu về 19 công nghệ, còn Mỹ dẫn đầu 4 công nghệ.

Bảng xếp hạng dựa trên 10% tài liệu học thuật được trích dẫn nhiều nhất trong số 2,2 triệu tài liệu được xuất bản từ năm 2018 đến năm 2022, tập trung vào các lĩnh vực được xem là then chốt trong quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Úc, hay AUKUS.

Trung Quốc chiếm 73,3% kết quả nghiên cứu có tác động cao về phát hiện, theo dõi và mô tả đặc tính bội siêu thanh, vượt xa Mỹ, Anh và Đức.

Về phương tiện tự hành dưới nước, Trung Quốc chiếm 56,9% nghiên cứu quan trọng. Mỹ đứng thứ hai chỉ chiếm 9,5%.

Thiết bị không người lái dưới nước kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến, bao gồm vỏ chịu áp lực, công nghệ dẫn đường không người lái và hệ thống liên lạc. Dựa trên báo cáo của ASPI, Trung Quốc cũng dẫn đầu về thông tin liên lạc không dây dưới nước tiên tiến và sóng siêu âm.

Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, trong số 6 lĩnh vực liên quan đến AI, Trung Quốc dẫn đầu 4 lĩnh vực, bao gồm cả máy bay không người lái, trong khi Mỹ đứng đầu về thiết kế và chế tạo mạch tích hợp tiên tiến.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc xây dựng một nền tảng vững chắc về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo bảng xếp hạng chỉ số AI của Đại học Stanford, Trung Quốc nằm trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, 1/3 các bài báo khoa học và trích dẫn quốc tế trong năm 2021 là của học giả Trung Quốc. Về đầu tư kinh tế, năm 2021, các công ty tư nhân nước này rót 17 tỷ USD vào AI, chiếm gần 1/5 nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu trong lĩnh vực này.

Chính phủ Trung Quốc nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 sẽ đứng đầu về AI toàn cầu. Những lĩnh vực được kỳ vọng thay đổi mạnh mẽ nhờ AI là giao thông vận tải, thiết kế chip, y tế và công nghiệp phần mềm.

Báo cáo của ASPI còn cho thấy Nhật Bản lọt vào top 10 quốc gia hàng đầu chỉ trong 7 lĩnh vực, bao gồm điện toán lượng tử và mật mã hậu lượng tử.

Hiện tại, Mỹ được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia dẫn đầu về phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp. Người Mỹ tự hào đã phát minh ra nhiều tiến bộ khoa học, đứng đầu trong các kỹ thuật hiện đại của thế giới ở khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự, sinh học, y học, phần mềm, dược phẩm, viễn thông… Mỹ cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Apple, Intel, Google, Facebook và Microsoft.

Có thể bạn quan tâm