Phóng sự - Ký sự

Viếng mộ cô Sáu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe tin tôi đi công tác tại Côn Đảo, chị bạn tôi ghé tai thì thầm vẻ bí mật: “Ra đó muốn gì thì đến mộ cô Sáu mà cầu nhưng phải đúng nửa đêm mới linh...”. Không biết thực hư thế nào nhưng câu nói của chị khiến tôi thấy tò mò và muốn được trải nghiệm.

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet

Là người trực tiếp dẫn đoàn đi tham quan Côn Đảo, hướng dẫn viên Lê Nhất Nhân (Ban Quản lý Di tích Côn Đảo) cho biết: Ở Côn Đảo có 2 đền thờ được người dân tôn vinh là thần. Một là đền thờ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu-người nữ tù chính trị đầu tiên bị thực dân Pháp xử bắn năm 1952 khi vừa 19 tuổi và được người dân trìu mến gọi là cô Sáu. Hai là đền thờ bà Phi Yến (tên thật là Răm) vợ vua Gia Long. Theo lời người hướng dẫn, vì khuyên vua không nên “cõng rắn cắn gà nhà” bà đã bị vua biệt giam ở một hang sâu. Hoàng tử Cải con của bà khóc đòi mẹ cũng bị vua vứt xuống biển. Và câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” bắt nguồn từ sự kiện này. Người dân nơi đây có gì cần cầu xin đều đến 2 đền này cúng vái. Họ bảo 2 đền này thiêng lắm. Bởi vậy, du khách khi đến Côn Đảo không một ai không đến thắp hương.

Chẳng biết bà Phi Yến thiêng đến đâu nhưng cô Sáu thì có rất nhiều câu chuyện linh thiêng, bí ẩn được lưu truyền. Nào là chuyện tấm bia ở mộ cô hôm nay bị đập thì ngày mai lại xuất hiện tấm bia mới và những kẻ đập bia ấy đều chết bất đắc kỳ tử. Từ đó không ai dám phá bia và mộ cô nữa. Nào là có người đến thắp hương thì gặp cô từ trong mộ bước ra thong thả đi về phía thị trấn nên đã lập bàn thờ trong nhà hương khói suốt 4 mùa. Có người còn kể là có một cặp vợ chồng hiếm muộn nhờ cầu cô mà có con, đến khi đem lễ ra tạ cô lại cho trúng số độc đắc. Sợ quá, họ không dám nhận số tiền đó mà trao lại cho Ban Quản lý Di tích Côn Đảo.

Hiện nay, ở mộ cô Sáu có 3 tấm bia. Tấm thứ nhất bằng xi măng do những người bạn tù lao động khổ sai dựng lên đặt phía trước bên phải. Tấm thứ hai bằng cẩm thạch, trên ghi dòng chữ “Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23-1-1952” do vợ chồng chúa đảo Tăng Tư dựng lên tạ ơn vị thần hộ mệnh giúp ông ta thăng tiến và giúp vợ ông ta khỏi bệnh nan y, cũng đặt phía trước nhưng ở bên trái. Tấm thứ ba bằng đá đen với những dòng chữ phủ nhũ vàng “Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu sanh năm 1933...” do Nhà nước dựng khi khánh thành công trình tôn tạo nghĩa trang được đặt ở vị trí trung tâm trên phần mộ. Đặc biệt, người dân Côn Đảo cực kỳ tôn kính cô, khi nói gì cũng thề “có cô Sáu chứng giám”.

Nghĩa trang Hàng Dương về đêm dòng người ra, vào tấp nập. Dưới ánh điện lung linh, lời bài hát “Biết ơn Võ Thị Sáu” vang lên nghe thật xúc động. Mộ cô Sáu to thế mà 10 giờ đêm trên mộ đã không còn chỗ để lễ. Hướng dẫn viên Lê Nhất Nhân đưa cho chúng tôi một cái khay để sắp lễ và đứng chờ đến khi có ai đó cúng xong đem đồ đi hóa vàng thì đặt ngay vào rồi thắp hương đưa cho mọi người cúng vái. Lễ vật của chúng tôi gồm nón, vải may áo dài, gương, lược. Riêng Hằng (nhân viên Nhà lao Pleiku) mang từ nhà đi một bông hoa sen bằng pha lê rất đẹp làm lễ vật tặng cô Sáu.

Chị Phan Thị Huỳnh Châu-Chủ cửa hàng lưu niệm Côn Đảo bảo rằng: Cô Sáu linh lắm nên hàng đêm khách du lịch đến mộ thắp hương, dâng lễ vật cầu cô rất đông, chủ yếu là khách Hà Nội. Nhiều người chiều tối bay ra thắp hương cầu cô xong sáng hôm sau bay về.

Dù cho lời đồn đoán có đúng hay không, cũng không biết những lời cầu ước liệu có thành sự thật, nhưng lòng thành kính với cô Sáu đã thể hiện rất rõ đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc sẽ mãi mãi được nhân dân nhắc nhớ, tôn thờ...

 Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm