Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Việt Nam lên tiếng trước thông tin Trung Quốc hoàn thành quân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 7-4, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến tình hình Biển Đông.

Phóng viên nêu câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông báo mới được đăng trên website của Cục hải sự Trung Quốc, một cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông bắt đầu từ 9 giờ ngày 19-3 đến 18 giờ ngày 9-4, toạ độ giống toạ độ 5 điểm giới hạn mà Trung Quốc tập trận từ ngày 4 đến 15-3 vừa qua. Phóng viên cũng đề nghị cho biết phản ứng của Trung quốc sau khi Việt Nam trao đổi vào ngày 7-3 và Việt Nam có biện pháp gì tiếp theo để yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động này?.

Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về việc này đã được nêu rõ vào ngày 7-3. "Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt vi phạm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp cho việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam đã tiếp tục giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này"- bà Hằng nhấn mạnh.

Bình luận về thông tin Trung Quốc đã hoàn thành việc quân sự hoá hoàn toàn các cấu trúc mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, Phó phát ngôn nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nhấn mạnh việc thúc đẩy quân sự hoá trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hoá, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982"- bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.


Tuần tra chung trên Biển Đông

Vừa qua, một cựu thẩm phán Tòa án tối cao Philippines đề xuất Philippines nên tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông với Việt Nam.

Theo Phó phát ngôn, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước hợp tác, đóng góp cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở Biển Đông trên cơ ở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Với mong muốn đó, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã hợp tác tuần tra chung với các nước trong khu vực, như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, và có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển và các hoạt động khác.


Theo DƯƠNG NGỌC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm