Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Việt Nam xây dựng nhà máy gạo lớn nhất châu Á tại An Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 18.1.2022 sắp tới, nhà máy gạo lớn nhất châu Á với 100% công nghệ nhập khẩu từ châu Âu, tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày được khánh thành tại An Giang.

 Nhà máy gạo Hạnh phúc được xây dựng trên diện tích 161.000m2, quy mô lớn nhất châu Á. Ảnh: T.Long
Nhà máy gạo Hạnh phúc được xây dựng trên diện tích 161.000m2, quy mô lớn nhất châu Á. Ảnh: T.Long


Khánh thành nhà máy gạo lớn nhất châu Á

Nhà máy được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất châu Á có diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.

Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu (EU) như: Hệ thống tiếp nhận, làm sạch và sấy của SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ BUHLER (Thụy Sỹ); toàn bộ hệ thống silo chứa lúa và trang thiết bị đi kèm đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU từ Ý, Đức, Ba Lan… Đây đều là những đối tác công nghệ hàng đầu EU đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, nhấn mạnh: Lễ khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc là khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch đầu tư và phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo dài hạn của Tập đoàn Tân Long, đặc biệt là đối với thương hiệu gạo A An. Trước tiên, nhà máy được lựa chọn xây dựng tại vị trí chiến lược là đặt trên cánh đồng thuộc huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), được bao quanh bởi 4 huyện trồng lúa khác gồm: Thoại Sơn, Giang Thành (An Giang), Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang).

Lợi thế về vị trí xây dựng nhà máy sẽ góp phần đáng kể vào việc rút giảm khoảng cách, thời gian, chi phí vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy cho nông dân; đảm bảo điều kiện lý tưởng để lúa tươi được sấy và lưu trữ với chất lượng hoàn hảo; giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, trong đó có các loại gạo danh tiếng của các tác giả như Thạc Sỹ - Kỹ Sư Hồ Quang Cua và Viện Giống đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư rất lớn về công nghệ. Xây dựng bài bản vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới là điều kiện rất quan trọng để tạo nên những hạt gạo tốt nhất, đồng đều nhất về chất lượng xuyên suốt cả năm; ít bị ảnh hưởng bởi vụ mùa. Thực hành sản xuất lúa gạo “tốt từ đầu” nhờ tối ưu công nghệ vì thế sẽ giúp giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỉ lệ thu hồi gạo thành phẩm và cạnh tranh về giá thành.

 

Nhà máy gạo Hạnh Phúc có công suất 1.000 tấn gạo thành phẩm/ngày. Ảnh: T.Long
Nhà máy gạo Hạnh Phúc có công suất 1.000 tấn gạo thành phẩm/ngày. Ảnh: T.Long


"Thông qua sự kiện khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc và thỏa thuận hợp tác bao tiêu lúa gạo, Tập đoàn Tân Long mong muốn sẽ là doanh nghiệp đồng hành lâu bền cùng nền nông nghiệp tỉnh An Giang trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo theo mô hình doanh nghiệp đặt hàng - nông dân sản xuất; chú trọng chương trình canh tác sạch, kiểm soát hiệu quả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo, chúng tôi cam kết sẽ luôn giữ vững giá trị cốt lõi Trung thực - Tận tâm - Khát vọng, sẽ nỗ lực cho khát vọng đưa gạo A An trở thành thương hiệu quốc gia và tham gia hiệu quả vào thị trường gạo quốc tế” - ông Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, diện tích trồng lúa ĐBSCL đạt khoảng 1,6 triệu hecta; trong đó diện tích tại 5 huyện gần kề Nhà máy gạo Hạnh Phúc kể trên đạt gần 300.000ha. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy gạo Hạnh Phúc sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu nhất Đông Nam Á, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và thu nhập cho nông dân.

Đẩy mạnh thu mua, chế biến sau thu hoạch và hỗ trợ giống cho nông dân

Theo nội dung thỏa thuận giữa Tập đoàn Tân Long và UBND tỉnh An Giang, Tập đoàn sẽ liên kết tổ chức bao tiêu với các hợp tác xã tại An Giang trên diện tích 30.000ha và mở rộng quy mô sang các địa phương lân cận trong những năm tiếp theo; chú trọng vào phát triển các dòng lúa chất lượng cao phục vụ cho cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước như Japonica, Jasmine, Đài Thơm, ST21, ST24, ST25... Xuyên suốt quá trình hợp tác, Tập đoàn sẽ có cơ chế bao tiêu linh hoạt, chia sẻ lợi nhuận trong toàn chuỗi với các hợp tác xã, các tổ chức hợp tác nông dân, hộ nông dân.

Trong chuỗi liên kết hợp tác, Tập đoàn Tân Long vừa là kênh thu mua sản phẩm, vừa đóng vai trò định hướng và đặt hàng sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giống, kỹ thuật canh tác lúa giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Cùng với nhà máy gạo Hạnh Phúc và hệ thống các nhà máy gạo khác của Tập đoàn, Tân Long sẽ thực hiện xử lý sau thu hoạch, chế biến và đóng gói; đồng thời tìm kiếm và phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo A An; hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín "từ cánh đồng đến bàn ăn".

 

https://laodong.vn/kinh-te/viet-nam-xay-dung-nha-may-gao-lon-nhat-chau-a-tai-an-giang-995498.ldo

Theo Vũ Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm