Xã hội

Gia đình

Vợ chồng ly hôn: 'Chia tay cao thượng' được không hay chỉ là ảo tưởng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các cuộc chia tay thường xảy ra y như hai người đọ sức nhau trên một sợi dây thăng bằng, vô cùng rắc rối, thậm chí còn châm ngoài nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt. Vậy, chia tay cao thượng được không?

Trong thực tế, rất nhiều người không hề biết gì về “chia tay”, đừng nói là… kinh nghiệm.
Trong thực tế, rất nhiều người không hề biết gì về “chia tay”, đừng nói là… kinh nghiệm.



Nhà văn tâm lý Nhật Bản Watanabe Junichi cho rằng, phần lớn các cuộc ly hôn đều diễn ra khi một bên muốn chia tay còn một bên thì còn lưu luyến vì một lý do nào đó. Watanabe Junichi nổi tiếng với hai tác phẩm “Đánh mất lạc thú” và “Cái giống đàn ông” viết về tâm lý con người, đặc biệt là đời sống vợ chồng. 

Trong vốn từ vựng vợ chồng, đừng nên có từ "chia tay"!

Tôi có một người bạn rất thân từ hồi đi học. Bạn bè ai cũng phục anh vì anh tài giỏi, sau này thì giàu có, nhưng phục nhất là cuộc sống của gia đình anh.

Anh tâm sự, trong cuộc sống, vợ chồng anh cũng có chiến tranh nóng, chiến tranh luận, đủ cả, nhưng chưa bao giờ và tuyệt đối không bao giờ tớ nói đến hai từ chia tay.

Anh kể: Có một lần, lần đó rất căng thẳng, nhà tớ nghe đồn đại gì đó về một cô chân dài nào đó nên đã làm rất hung, và lần đầu tiên cô ấy dùng đến từ chia tay. Lúc đó, tớ đã rất bình tĩnh nói rằng, “Trong vốn từ vựng của anh (giận mấy tớ cũng xưng anh - em), không có hai từ chia tay. Trường hợp em muốn thế thì nên suy nghĩ thật kỹ rồi nói, vì hai từ này không phải dùng tùy tiện. Nếu em nghĩ kỹ và quyết định rồi thì anh có một điều kiện, anh chỉ mặc quần đùi đi và không mang theo thứ gì cả, chỉ mong em thuận cho anh dắt con theo, thế thôi”. Lúc đó hai con tớ còn nhỏ.

 

 Mọi cuộc chia tay đều mang lại cho con người đau khổ và khốn quẫn, tiêu hao không biết bao nhiêu năng lượng
Mọi cuộc chia tay đều mang lại cho con người đau khổ và khốn quẫn, tiêu hao không biết bao nhiêu năng lượng



Từ đó nhà tớ cũng không bao giờ nhắc đến hai từ này cho dù chúng tớ có rất nhiều lần khác gay gắt cũng vì lý do những tin đồn như thế đến từ phía tớ. Cậu biết đó, tớ tương đối thành đạt so với nhóm bọn mình xét về kinh tế, nên tin đồn cũng không ít. Nhưng quan điểm của tớ, gia đình là số một. Chả phải chúng ta làm gì cũng là vì hạnh phúc gia đình sao? Vậy thì tại sao tớ lại phải bươn chải, làm cho nhiều tiền để phá vỡ gia đình?

Có thể “chia tay cao thượng” được không?

 

Người phụ nữ gửi gắm niềm hy vọng và ước mơ vào cuộc hôn nhân lớn hơn người đàn ông nhiều nên họ cũng thất vọng nhiều hơn.

Quay trở lại đề tài, bàn về chuyện chia tay. Thật muôn hình vạn trạng. Nhiều cuộc ly hôn của những người nổi tiếng tốn không biết bao nhiêu giấy mực thiên hạ. Điển hình, mới đây là cuộc ra tòa ly hôn chưa đến hồi kết của “cặp đôi Trung Nguyên”. Trong thực tế, cũng rất nhiều cuộc ly hôn chất chứa nhiều tấn bi hài kịch, thậm chí thấm đẫm nước mắt, không phải ly hôn mà ly tán.

Trong bài viết này, xin chỉ đặt câu hỏi: Có thể chia tay cao thượng được không?

Watanabe Junichi cho rằng, “chia tay cao thượng” chỉ có thể có trong ba trường hợp. Hai người lấy nhau nhưng chưa có một tình yêu sâu sắc lắm, đúng ra là chưa đạt tới mức độ yêu. Hai bên đều cảm thấy chán ngán nhau. Hai bên đều có người thứ ba.


Theo Junichi, phần lớn các cuộc ly hôn đều diễn ra khi một bên muốn chia tay còn một bên thì còn lưu luyến vì một lý do nào đó. Do vậy, các cuộc chia tay thường xảy ra y như hai người đọ sức nhau trên một sợi dây thăng bằng. Cho dù cuối cùng vẫn chia tay nhưng sẽ vô cùng rắc rối, thậm chí xảy ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt.


Cho nên, Junichi cho rằng, “chia tay nhau cao thượng” chỉ là ảo tưởng mà thôi. Trong thời gian lằng nhằng nói trên, hai người sẽ bộc lộ chân tướng ích kỉ và xấu xa của mình.

Nói chung, mọi cuộc chia tay đều mang lại cho con người đau khổ và khốn quẫn, tiêu hao không biết bao nhiêu năng lượng. Cho nên, chưa đến bước đường cùng thì chớ nên nếm mùi ly biệt, Junichi khuyên.

 

Đàn ông rất… xảo quyệt

Cũng theo Junichi, trong các cuộc chia tay, đàn ông hay làm ra vẻ cao đạo nhưng cực kỳ xảo quyệt. Họ luôn muốn để bên nữ căm ghét họ. Họ làm mọi cách để bên nữ tự nói ra sự căm ghét đó, ví dụ: “Tôi không thể chịu đựng nỗi anh nữa rồi!”. Lúc đó họ chỉ đế vào: “Vậy cô muốn gì?”. Tất nhiên, người nữ sẽ nói ra câu chia tay và họ vẫn rất cao đạo: “Vậy thì làm như cô muốn đi!”

Vậy là mắc bẫy họ rồi.

 

 Junichi cho rằng,“chia tay nhau cao thượng” chỉ là ảo tưởng mà thôi
Junichi cho rằng,“chia tay nhau cao thượng” chỉ là ảo tưởng mà thôi



Khi yêu nhau, người đàn ông tỏ ra rất ân cần, mẫn cán, chăm lo từng chút một để lấy lòng người yêu. Phần lớn bên nữ sung sướng tiếp nhận và coi đó như một lẽ đương nhiên. Nhưng khi về ở với nhau, họ sẽ không như vậy. Họ bắt đầu bộc lộ bản thân để khẳng định sức mạnh của giống đực. Người phụ nữ gửi gắm niềm hy vọng và ước mơ vào cuộc hôn nhân lớn hơn người đàn ông nhiều nên họ cũng thất vọng nhiều hơn.

Cho dù vậy, vì sĩ diện, họ có thể tỏ ra cho mọi người rằng họ vẫn bình thường bằng cách mỗi người đeo một cái mặt nạ. Có người đeo như thế suốt đời để tránh một cuộc chia tay tổn hại năng lượng nhưng thực ra cuộc sống của họ đã không còn năng lượng.

Phụ nữ cũng không phải dạng vừa

Đấy là ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trong cuốn “Nghĩ lớn để thành công”.

Ông Trump kể.

Một người bạn của ông, sau 4 lần chia tay, một hôm gọi điện thông báo rất hào hứng: “Donald này, tớ đã gặp một người phụ nữ vô cùng tuyệt vời, cô ấy chính là tình yêu của đời tớ!”. Trump bình tĩnh nói: “Cậu đã nói điều này với tớ bốn lần rồi đấy!”. Bạn ông bảo: “Không! Lần này hoàn toàn khác”. Trump nói: “Cuộc hôn nhân này của cậu không kéo dài đâu!”.

Trump viết trong sách, đoạn sau rằng, dự đoán của ông hoàn toàn chính xác: “Sau khi gặp tôi, cô ấy bám lấy tôi. Vậy đấy. Trong lúc anh bạn tôi lại tin cô ta là người phụ nữ tuyệt vời nhất, là tình yêu đích thực của đời mình và sẽ gắn bó với anh ấy cho đến khi cái chết chia lìa. Thật nực cười”.

Cuối cùng thì chân tướng của cô nàng bộ lộ trong một vụ ly hôn mà cô ta kiếm được của bạn tôi kha khá. 3 năm kiếm được 60 triệu đô la cộng với ngôi nhà cũng không xoàng. Cuộc chia tay thật là… cao thượng!

Cá nhân tôi thích câu của Junichi “Chưa đến bước đường cùng thì chớ nên nếm mùi ly biệt”. Và cũng thích câu của bạn tôi “Chả phải chúng ta làm gì cũng là vì hạnh phúc gia đình sao? Vậy thì tại sao tớ lại phải bươn chải, làm cho nhiều tiền để phá vỡ gia đình?”

Nguyễn Thế Thịnh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm