Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vỡ trận thu phí không dừng: Lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có thời gian chuẩn bị và lộ trình triển khai nhiều năm, tuy nhiên khi thực hiện thu phí điện tử không dừng (ETC), Bộ GTVT vẫn gặp những lúng túng. Nhiều bất cập chưa được Bộ GTVT nhận diện kịp thời, thậm chí ngày 15/1, Bộ GTVT có lịch đi kiểm tra, tháo gỡ khó khăn giúp nhà đầu tư có thể triển khai thu phí ETC trước Tết nhưng lãnh đạo Bộ GTVT vẫn hủy lịch.
 
Tuyến BOT Pháp Vân - Ninh Bình vẫn chưa thể triển khai thu phí không dừng
Quyết định thực hiện bị yêu cầu thay thế
Trước việc Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu tập thể, cá nhân trong đó có cá nhân Bộ trưởng Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai thu phí ETC, cho ý kiến về việc này lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, do chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên trong quá trình xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Quyết định 7 năm 2017 còn có một số vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế, trong đó có quy định bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC…
Theo đó, nhằm thay thế hình thức thu phí thủ công (vé giấy), tạo thuận tiện cho việc đi lại, giảm ùn tắc và minh bạch trong hoạt động thu phí, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng phương án, lộ trình cho việc triển khai hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí trên cả nước. Lộ trình theo Quyết định 7 đặt ra, đến 31/12/2018 tất cả các trạm thu phí trên QL1 (bao gồm cả QL1B - cao tốc) và đường Hồ Chính Minh qua Tây Nguyên phải triển khai thu phí ETC; đối với các trạm trên các tuyến QL, cao tốc còn lại chậm nhất ngày 31/12/2019 phải thực hiện thu phí không dừng.
Ghi nhận của PV Tiền Phong trong suốt thời gian qua cho thấy, hầu như các mốc thời gian trên đều bị “phá sản”. Lý giải về nguyên nhân, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Do vướng mắc về khoản phí nhà đầu tư BOT phải trích từ 2 đến 3% cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài khoản phí nhà đầu tư BOT phải trích cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC, nhiều nhà đầu tư BOT cũng phản ứng mạnh với việc phải bàn giao toàn bộ trạm cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Theo các nhà đầu tư BOT, trạm do mình đầu tư, quản lý và đang thế chấp ngân hàng để thực hiện dự án thì không thể giao cho một đơn vị không có trong hợp đồng BOT.
Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Thông báo số 8 vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt, rằng: cùng với lãnh đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai thu phí ETC, Bộ GTVT cần rà soát, sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định thay thế cho các nội dung trong Quyết định 07.
Đùn đẩy ký văn bản triển khai
Là tuyến giao thông huyết mạch tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô, hiện tuyến cao tốc BOT Pháp Vân - Ninh Bình (QL1B) đang có lượng phương tiện cao nhất cả nước, do vậy ngay từ giai đoạn 1 tuyến cao tốc này đã được chọn thực hiện thu phí ETC và có tiến độ chậm nhất 31/12/2018. Tuy nhiên đến nay, sau 3 lần lỗi hẹn cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vẫn mịt mù ngày thu phí ETC. Với mật độ phương tiện đông và tuyến lại đang áp dụng hình thức thu phí thủ công (phương tiện xếp hàng chờ trả tiền mặt) nên dư luận lo lắng, dịp cao điểm Tết Canh Tý năm nay, tuyến Pháp Vân - Ninh Bình rất dễ xảy ra ùn tắc kèo dài như mọi năm.
Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an (quản lý trật tự giao thông tuyến Pháp Vân - Ninh Bình) cho biết, việc thu phí tại các trạm BOT trên tuyến vẫn là phương tiện dừng trả tiền mặt, nhận vé qua trạm. Trong phương án phân luồng, đảm bảo giao thông tại trạm thu phí trong những ngày tới, các tổ công tác của Cục CSGT được đề nghị đảm bảo giao thông khi phương tiện dừng thanh toán phí qua trạm.
Tìm hiểu nguyên nhân chưa thể triển khai thu phí không dừng ETC tại BOT Pháp Vân - Ninh Bình, cho thấy nhà đầu tư - Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC đã thống nhất phương án triển khai trong đó có mức phí trích lại và sẵn sàng vận hành thu phí không dừng trên toàn tuyến. Chỉ còn một việc làm mang tính thủ tục là VEC đề nghị cơ quản lý nhà nước cần có một văn bản dạng quyết định để VEC có cơ sở triển khai nhưng với lý do VEC vừa chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên văn bản trên vẫn chưa đơn vị nào đứng ra ký. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chưa đủ thẩm quyền ký thì cơ quan chủ trì là Bộ GTVT phải có đề xuất, báo cáo để lãnh đạo Chính phủ tháo gỡ. “Trong Quyết định 07 và các văn bản chỉ đạo về ETC, đặc biệt Công điện số 849 tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn quyền cho Bộ GTVT chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan ETC, trong đó có báo cáo đề xuất Chính phủ tháo gỡ các nội dung vượt thẩm quyền, tuy nhiên đến nay việc thực hiện thu phí ETC vẫn chậm cả năm và tồn đọng nhiều vướng mắc là không chấp nhận được”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Bộ GTVT hủy lịch kiểm tra ETC để làm kiểm điểm
Theo lịch làm việc của Thứ trưởng Lê Đình Thọ vào 14h ngày 15/1, ông Lê Đình Thọ sẽ “kiểm tra công tác triển khai thu phí không dừng tại một số dự án”. Với các nhà đầu tư một số dự án BOT đang có vướng mắc chưa thể triển khai thu phí ETC, trong đó có tuyến Pháp Vân - Ninh Bình (đã 3 lần bị trì hoãn) đang rất mong đợi buổi kiểm tra của lãnh đạo Bộ GTVT, từ đó có thể giúp tháo gỡ những khó khăn, giúp tuyến thực hiện thu phí ETC trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Tuy nhiên, trong khi một số nhà đầu tư và phóng viên báo chí sẵn sàng tham gia cuộc kiểm tra này thì đến hơn 14h, mọi người nhận được thông báo từ một thành viên đoàn kiểm tra tại Bộ GTVT rằng: Lãnh đạo Bộ hủy buổi kiểm tra để các đơn vị liên quan tập trung cho việc kiểm điểm theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Nhóm PV thời sự (TP)

Có thể bạn quan tâm