Sau 3 ngày xảy ra tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân đang chạy thận đồng loạt có biểu hiện nghi sốc, 7 bệnh nhân tử vong, ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu các bộ phận liên qua xem xét lại toàn bộ quá trình, đánh giá nguyên nhân gây ra tai biến hàng loạt này.
Theo BS Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, với chạy thận nhân tạo, một vài lỗi trong quá trình có thể gây đe dọa tính mạng cho bệnh nhân khi chạy thận.
Đầu tiên về quy trình, nếu làm sai quy trình có thể gây tình huống này. Tuy nhiên, trong 7 năm qua chạy thận không xảy ra vấn đề gì. Hơn nữa, nếu quy trình sai, máy móc sẽ không thể vận hành.
Bệnh nhân vụ nghi sốc phản vệ đồng loạt khi chạy thận may mắn qua khỏi đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Thứ hai nếu quả lọc không đảm bảo cũng có thể gây tai biến cho người dùng. Theo đó, trong quá trình sử dụng, tái sử dụng có thể tồn dư hóa chất gây sốc, ngộ độc. Tuy nhiên trong 18 bệnh nhân chạy thận sáng 29-5 thì có 1/3 bệnh nhân sử dụng quả lọc mới cũng xuất hiện triệu chứng tương tự.
Nguyên nhân thứ 3 có thể do dịch lọc. Dịch lọc cho 18 bệnh nhân này vẫn còn nguyên đai nguyên kiện nhận về từ phòng vật tư. Số dịch lọc này chiều thứ 7 vẫn tiến hành lọc thận cho các bệnh nhân không xảy ra tai biến. Được biết lô dịch lọc cho 18 bệnh nhân này cũng giống lô đang chạy tại bệnh viện đa khoa thành phố.
Nguyên nhân thứ 4 có thể là do hệ thống nước đi qua dịch lọc. Trước sự cố một ngày, hệ thống nước được bảo trì theo định kỳ, như vẫn thực hiện từ khi thành lập đơn nguyên chạy thận đến nay.
BS. Hoàng Đình Khiếu-Phó Giám đốc bệnh viện, Phụ trách đơn nguyên thận (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), cho biết, khi nhận định về sự cố này, GS Đoàn dị ứng BV Bạch Mai gọi đây là hiện tượng ngộ độc, do bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giống nhau hàng loạt một lúc. Còn nếu là triệu chứng sốc phản vệ thì xảy ra trên từng cơ địa bệnh nhân, không bệnh nhân nào giống triệu chứng bệnh nhân nào.
Bác sĩ Khiếu cho biết thêm, kể từ khi thành lập đến nay, trong quá trình chạy thận có những trường hợp có biến chứng, lẻ tẻ như có 1 bệnh nhân rét run, choáng váng, xử lý ổn ngay. Đợt này sau chạy thận 45 phút đồng loạt 18 bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng, tôi cho rằng đó là một vấn đề gì đó có thể liên quan tất cả các máy.
Theo ông Khiếu, hiện toàn bộ quá trình điều tra được chuyển sang cơ quan công an. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế có sự tham gia của 4 chuyên gia đầu ngành sẽ tiếp tục kiểm thảo tử vong, đưa ra đánh giá độc lập về nguyên nhân gây sự cố trên. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trong vòng 7 ngày Hội đồng khoa học phải đưa ra được kết quả kiểm thảo tử vong.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Phạm Văn Sử cho biết cơ quan công an đang tiếp tục điều tra về vụ việc. Công an đề nghị Bệnh viện và đơn nguyên thận nhân tạo cung cấp một số nội dung liên quan. Cơ quan công an sẽ thúc đẩy quá trình điều tra, sớm hoàn tất điều tra để có kết luận nguyên nhân về vụ việc.
Theo Dantri
Bệnh viện xác nhận hệ thống nước lọc thận được xử lý một ngày trước tai biến hàng loạt Trước thông tin hệ thống lọc nước được bảo trì một ngày trước khi diễn ra sự cố 18 bệnh nhân đồng loạt có biểu hiện nghi sốc phản vệ khi lọc thận, ông Hoàng Đình Khiếu xác nhận hệ thống này được bảo trì ngày 28-5 (tức chủ nhật), khi không có bệnh nhân chạy thận. Việc bảo trì do phòng vật tư và một công ty tại Hà Nội phụ trách. Sau khi bảo trì xong họ đã bàn giao, có biên bản kí nhận đảm bảo chất lượng. Việc bảo trì này là thường quy. Sau khi được bàn giao, vào ca chạy thận, bác sĩ kiểm tra máy, chuẩn bị bệnh nhân đủ điều kiện đưa vào lọc máu. Suốt từ khi thành lập đến nay, quy trình này vẫn đảm bảo và không gây tai biến gì cho đến sáng 29-5 sự cố đã đồng loạt xảy ra cho 18 bệnh nhân chạy thận. |