Liên quan đến vụ làm giả xăng dầu quy mô lớn của đại gia Trịnh Sướng, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của quản lý thị trường và lực lượng phòng chống tội phạm.
Vụ án sản xuất, mua bán xăng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi có liên quan đến “đại gia” Trịnh Sướng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng) được Công an tỉnh Đắk Nông, bộ Công an thông tin mới đây đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Kết quả điều tra ban đầu xác định các đối tượng đã có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả bằng thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả, bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng đặc biệt lớn và diễn ra trong thời gian dài, thu lợi bất chính hơn trăm tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, bộ Công an đã khởi tố 23 bị can; thu giữ hơn 3 triệu lít dung dịch làm xăng giả trong vụ án liên quan "đại gia" Trịnh Sướng (tức Tám Sướng), Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng).
Tang vật chế tạo xăng giả Công an Đắk Nông thu giữ.
Để xảy ra việc thu lợi bất chính hơn trăm tỷ đồng trong một thời gian dài mà lực lượng chức năng không phát hiện, vậy bao nhiêu lâu nay xăng giả bán ra ngoài thị trường trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường ở đâu? Và việc này, gây ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng?
Xoay quanh những thắc mắc này, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho hay: “Chưa thể quy kết trách nhiệm cho bất kỳ lực lượng nào. Nhưng, đây là vụ việc xảy ra rất lâu, trong thời gian dài, có thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, trước hết phải xem xét trách nhiệm của hai lực lượng chính: Một là, lực lượng quản lý thị trường, hai là lực lượng phòng chống tội phạm. Hai lực lượng này phải chịu trách nhiệm trước tiên.
Tiếp đó, xem xét ai là người chịu trách nhiệm, người phụ trách địa bàn đó tại sao lại để xảy ra một thời gian dài mà không nắm được, phải kiểm điểm trách nhiệm trước. Còn nếu xác minh có sự thông đồng, bảo kê, bao che thì lại là câu chuyện khác, là đồng phạm chứ không còn ở việc lợi dụng chức vụ quyền hạn nữa”.
Cũng nói về những tác hại của việc dùng xăng dầu giả, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng điều này cần các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận: “Bây giờ, có thể chưa nhìn thấy hậu quả, nhưng pha bột màu vào làm giả như vậy thì chất lượng sẽ giảm bao nhiêu. Ví dụ, trước đây 1 lít thì đi được bao nhiêu cây số, bây giờ 1 lít đi được bao nhiêu cây? Người tiêu dùng có thể đánh giá được. Nhưng rõ ràng, có thể thấy đây là hành vi làm giả và hậu quả là nhà nước thiệt hại rất lớn”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây là hành vi làm giả và hậu quả là nhà nước thiệt hại rất lớn.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Do xăng dầu là một mặt hàng thuộc lĩnh vực kinh tế kĩ thuật khá phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công an phải tìm hiểu kỹ lưỡng mới đưa ra được kết luận. Việc làm giả xăng dầu, làm nhiễu loạn thị trường xăng dầu là hết sức phức tạp vì ảnh hưởng nguồn cung năng lượng".
Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Làm giả xăng dầu là rất nguy hiểm. Từ trước tới nay có hiện tượng vẫn làm nhiều người thắc mắc là tại sao xe máy, ô tô đang đi trên đường thì bốc cháy, rồi máy móc động cơ hỏng? Qua vụ này, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm được nhiều vấn đề khác”.
Liên quan đến 24 cửa hàng lấy nguồn xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ trưởng bộ Công an cho biết đang tiếp tục được cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông điều tra làm rõ, vì những cửa hàng này có thể có móc nối, thông đồng trong việc buôn bán xăng giả, hoặc có thể vô tình không biết.
“Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm việc, vi phạm pháp luật tới đâu sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu tới đó”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Nhóm PV Quốc hội (Người Đưa tin)