Kinh tế

Nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2016-2017: Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Rút kinh nghiệm từ đợt đại hạn trong vụ Đông Xuân 2015-2016, năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp ở những chân ruộng bấp bênh nguồn nước tưới. Hiện tại, các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2016-2017 đang phát triển tốt, một số vùng bắt đầu thu hoạch lúa trà sớm…

 Nông dân xã Chư Jôr, huyện Chư Pah chăm sóc lúa đại trà. Ảnh: N.D
Nông dân xã Chư Jôr, huyện Chư Pah chăm sóc lúa đại trà. Ảnh: N.D

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 55.400 ha cây trồng các loại, đạt trên 85% (kế hoạch đề ra là 64.870 ha). Các địa phương đã chủ động rà soát và khảo sát nguồn nước tưới sát với kế hoạch sản xuất được giao nhằm giảm diện tích cây trồng có thể bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Đồng thời, các địa phương tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi giống cây trồng ở những vùng thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây phù hợp; theo dõi diễn biến thời tiết để bố trí lịch thời vụ xuống giống sớm hơn mọi năm nhằm né hạn cuối vụ…

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho hay: So với những năm trước, vụ Đông Xuân năm nay trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến thời điểm này, trên 50% diện tích lúa trà sớm ở cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) của người dân 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr canh tác đang được bà con thu hoạch rộ. Các cánh đồng lúa khác ở 2 xã này cũng đang thu hoạch với 30-40% diện tích, năng suất bình quân đạt 4,5-5 tấn/ha, cao hơn so với những năm gần đây. Để có được kết quả này, UBND huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân sử dụng những giống lúa trung ngày và bố trí lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn từ tháng 11-2016; phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Chư Prông tổ chức điều tiết nước tưới hợp lý. Đặc biệt, do năm nay thời tiết thuận lợi, lượng mưa nhiều và rải đều, sâu bệnh gây hại không đáng kể đã góp phần để vụ sản xuất thành công.

Công tác chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với từng chân ruộng cũng được các địa phương thực hiện quyết liệt nhằm tránh thiệt hại. Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, năm nay, UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng cánh đồng ở các xã. Trong đó, huyện chủ động giảm 349 ha lúa nước chuyển sang trồng cây ngắn ngày và giảm diện tích rau xanh so với vụ Đông Xuân 2015-2016. Huyện cũng tập trung vận động người dân sản xuất lúa ở những vùng chủ động nguồn nước tưới; sử dụng các giống lúa phù hợp với những chân ruộng trên địa bàn như: CH207, HT1, DV108  và KD 18…  Cùng với Đak Đoa, huyện Mang Yang cũng đã chuyển đổi 66,5 ha lúa nước bấp bênh về nguồn nước sang trồng mì, khoai lang và bắp… Theo đánh giá của các địa phương, năm nay thời tiết có nhiều biến động, mưa trái mùa xuất hiện sớm nên người dân không thể chủ quan trong sản xuất.

Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết:  Hiện tại, vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều thuận lợi. Một số vùng gieo sạ sớm bắt đầu thu hoạch với kết quả khả quan. Tới thời điểm này, các công trình thủy lợi vẫn chủ động nguồn nước và chưa có vùng nào thiếu nước tưới là điều đáng mừng. Mới đây, Sở đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng; mở rộng diện tích rau, củ, quả có đầu ra ổn định trồng gối vụ; hướng dẫn người dân thâm canh sản xuất, liên kết sản xuất khai thác thị trường tiêu thụ...

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm