Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vụ gian lận điểm thi THPT: Kẻ chủ mưu chối tội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Ba bị cáo một mực chối tội, song đại diện VKSND tranh tụng lại các ý kiến của bị cáo và luật sư, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.



Ngày 15-5, tại TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phần tranh tụng để chứng minh hành vi phạm tội của 15 bị cáo là cựu cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, công an ở tỉnh Hòa Bình liên quan tới vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2017-2018.

Cựu thượng tá công an đề nghị VKSND xin lỗi

Tại phần tranh tụng, bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) - kẻ chủ mưu; Đào Ngọc Thuật (nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi); Khương Ngọc Chất (cựu thượng tá, cựu Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình) vẫn không nhận tội, cho rằng mình bị oan sai.

Tự bào chữa cho mình, Khương Ngọc Chất khẳng định VKSND buộc tội bị cáo là không có căn cứ. Buộc tội bị cáo phạm tội có tổ chức là không đúng, vì bị cáo không nhờ Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Lạc Thủy) bất cứ một việc gì. Bị cáo đề nghị VKSND phải đưa ra chứng cứ về lời khai của Mạnh Tuấn là bị cáo đã bàn bạc với Mạnh Tuấn. Căn cứ lời khai của Tuấn nhưng không chứng minh được lời khai đó có đúng hay không. Ghi âm, ghi hình, người làm chứng không có, sao cho rằng lời khai đó đúng.

Bị cáo Chất cũng cho biết không nhờ nâng điểm 10 bài thi và không có người thân nào thi THPT quốc gia năm 2018. Chất cũng đưa ra nhiều lập luận, dẫn chứng khác để chứng minh mình không có tội, chỉ nhận mình có nhờ xem điểm cho 5 con cán bộ trong cơ quan nhưng không thành. "Bị cáo không có tội, bị cáo bị oan sai, đề nghị HĐXX bác bỏ truy tố, tuyên bị cáo vô tội" - Chất bào chữa.

Tương tự, Nguyễn Quang Vinh và Đào Ngọc Thuật vẫn một mực chối tội. Thuật khẳng định chỉ nhờ Mạnh Tuấn xem điểm cho 10 thí sinh, chứ không nhờ nâng điểm. Nguyễn Quang Vinh thì yêu cầu cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh Vinh có tội. "Bị cáo thừa nhận đã làm sai quy chế và xin nhận nhưng nói bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn bị cáo không đồng ý vì bị cáo không vụ lợi, chẳng được gì ở đây. Đề nghị VKSND công bố chứng minh bị cáo phạm tội" - Vinh nói.

Các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo trên cũng đưa ra nhiều lập luận, quan điểm phản bác nhiều nội dung trong bản cáo trạng cũng như việc luận tội 3 bị cáo này. Tuy nhiên, đại diện VKSND đã tranh tụng lại các ý kiến của các bị cáo cũng như luật sư, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như đã luận tội.


 

Các bị cáo rời tòa trong phiên xét xử ngày 15-5
Các bị cáo rời tòa trong phiên xét xử ngày 15-5




Biết đi chấm thi mà phải đi tù đã bỏ nghề

Đáng chú ý, có 3 bị cáo không thuê luật sư, tự bào chữa cho bản thân là Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ); Nguyễn Thị Thu Loan (nguyên giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân); Nguyễn Thị Hồng Chung (nguyên giáo viên Trường THPT Ngô Quyền); đều là thành viên tổ chấm thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình.

Trong quá trình tự bào chữa, các bị cáo này đã bật khóc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Loan cho biết chỉ vì thương học sinh và nghĩ rằng làm điều gì có lợi cho học sinh, không gây tổn hại cho học sinh thì sẽ làm nên đã dẫn tới phạm tội. "Bị cáo đã cần mẫn làm một việc ngu dốt. Việc phạm tội của bị cáo do quá nể nang, để tình cảm lấn át, thiếu hiểu biết về pháp luật. Chưa bao giờ bị cáo nghĩ rằng đi chấm thi mà bị đi tù. Nếu biết đi chấm thi mà phải đi tù thì bị cáo đã bỏ nghề" - Loan chua chát khai. Loan cũng cho biết nhiều tháng trong tù rất day dứt, đau xót và biết rằng sau này không bao giờ còn được làm giáo viên nữa. Lời cuối bào chữa, Loan nói hành vi phạm tội của mình không nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho xã hội mà chỉ làm mất niềm tin và mong HĐXX cho hưởng khoan hồng để sớm trở về làm người tốt, tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Tương tự, bị cáo Lê Thị Hồng cũng bật khóc, tự nhận "ngu ngốc khi tự ý lấy thông tin của học sinh" để nâng điểm. Hồng khai không có mục đích xấu gì mà đây là do rất ngu ngốc nhất thời" đã tự lấy thông tin con của bà Trần Thúy Phương (cán bộ BHXH tỉnh Hòa Bình) để nhờ Mạnh Tuấn nâng điểm. Bào chữa tại tòa, bị cáo Hồng nói thấy thương con bà Phương học không tốt như các học sinh khác và lại chỉ được học lớp cận chuyên nên mới "tự giúp đỡ". "Khi lãnh đạo đơn vị chồng chị Phương gặp xác minh, bị cáo cũng ngớ người vì còn không biết mặt vợ chồng chị Phương. Trước tòa hôm nay, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình chị Phương vì không cố tình khiến họ bị kỷ luật và bị xúc phạm" - bị cáo Hồng nói.

Lê Thị Hồng cũng cho rằng nói nhưng lời trên chẳng ai tin nhưng Hồng không có vụ lợi gì cả, lý do dẫn tới phạm tội chỉ vì "nể nang bạn bè và thương học sinh".

 


Không đủ tầm để thao túng cả kỳ thi

Để đáp lại lời bào chữa của luật sư cho rằng Nguyễn Quang Vinh vô tội, không phải là chủ mưu trong vụ án, Đỗ Mạnh Tuấn tiếp tục khẳng định trước tòa lời khai của mình là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm. Tuấn cho biết chính vì lời khai đúng sự thật của mình mà nhiều người bị tội nhìn bị cáo bằng con mắt khác, thành người phản bội, người vu khống. "Nếu được nhận trách nhiệm, bị cáo sẽ nhận, thế nhưng có những cái bị cáo không thể nhận được. Nếu như bị cáo đủ tầm, đủ tài để thao túng được cả hội đồng thi, ban chấm thi với hàng trăm con người, cả 2 ngành tham gia là công an và giáo dục thì bị cáo không phải là hiệu phó của một trường" - Tuấn nói.

Theo Thanh Tuấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm