Theo đó, tài sản được xác lập quyền sở hữu gồm 4,3 m3 gỗ phay nhóm 6, tình trạng là gỗ cũ và 6 tấm bìa gỗ đã mục nát. Tất cả số gỗ này đều có nguồn gốc là tài sản bị vùi lấp được tìm thấy.
Số gỗ được người dân trục vớt tại H.Sa Thầy. Ảnh: ĐỨC NHẬT |
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo UBND H.Sa Thầy có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan lập phương án xử lý đối với số gỗ trên. Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Công an H.Sa Thầy và các đơn vị có liên quan thực hiện bảo quản tài sản trong thời gian chờ cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với số tài sản trên. Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định.
Cơ quan công an lập biên bản tạm giữ số gỗ. Ảnh: ĐỨC NHẬT |
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 23.3.2022, khi đang cải tạo ruộng cho gia đình ông A Khái (ở thôn Sơn An, xã Sa Sơn, H.Sa Thầy), ông Lê Quang Nam (45 tuổi, trú tại TT.Sa Thầy, H.Sa Thầy) phát hiện 1 cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6 m. Ông Khái đã thỏa thuận để ông Nam lấy cây gỗ thay cho tiền công cải tạo ruộng. Do không am hiểu pháp luật nên ông Nam đào cây gỗ lên. Khi ông Nam đưa gỗ đi gia công thì bị Công an H.Sa Thầy phát hiện, xử phạt hành chính.
Mặc dù đến nay UBND tỉnh Kon Tum mới ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với số gỗ trên nhưng 1 năm trước cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt đối với người tìm thấy cây gỗ.
Cụ thể, khi ông Nam cưa xẻ số gỗ đã trục vớt và đưa đi gia công, cơ quan công an đã xử phạt ông Lê Quang Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. Quyết định xử phạt này của cơ quan công an được các luật sư nhận định là chưa phù hợp.
Ông Lê Quang Nam không đồng ý với quyết định xử phạt của cơ quan công an. Ảnh: ĐỨC NHẬT |
Thượng tá Phan Tiến Dũng, Trưởng công an H.Sa Thầy, khẳng định việc ra quyết định xử phạt trên hoàn toàn có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật.
Về thông tin ông Nam bỏ ra 90 triệu đồng để trục vớt số gỗ, Trưởng công an H.Sa Thầy cho rằng việc kê khai này là ý kiến chủ quan của ông Nam chứ không phải số tiền đã bỏ ra. Chính vì vậy, cần phải có cơ quan chuyên môn thẩm định dựa trên tính khách quan, thực tế.
Ông Nam đưa số gỗ đào được đi gia công thì bị cơ quan công an lập biên bản, tạm giữ. Ảnh: ĐỨC NHẬT |
Cũng theo thượng tá Dũng, việc ông Nam có thuộc đối tượng được hưởng số tiền đã bỏ ra để đào, trục vớt số gỗ hay không thì sau khi xử lý tài sản, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét, đánh giá.